Chất vấn các Bộ trưởng, nhiều ĐBQH muốn làm rõ:

Bổ nhiệm người nhà, dự án 'đắp chiếu'

TP - Trao đổi với Tiền Phong trước phiên chất vấn các bộ trưởng, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn được làm rõ câu chuyện cả nhà làm quan, bổ nhiệm tràn lan người nhà nhưng lại “đúng quy trình”. Cùng với đó, các đại biểu cũng muốn rõ câu trả lời của các thành viên Chính phủ về số phận của các dự án nghìn tỷ lãng phí, càng làm thì càng thua lỗ…

ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại: Công tác cán bộ còn thiếu minh bạch

Bổ nhiệm người nhà, dự án 'đắp chiếu' ảnh 1

Có một thực tế mà dư luận vẫn nói là, con em cán bộ chẳng thấy ai kêu không thi được, hay không có việc làm cả. Những chuyện đấy chỉ rơi vào người dân thôi, nó là biểu hiện của việc rất thiếu minh bạch. 

Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương

Xung quanh vấn đề tổ chức cán bộ, từ khâu tuyển dụng cho đến khâu bố trí, sắp xếp cán bộ đều đang có “vấn đề”, trong đó có cả sự thiếu sự minh bạch. Thậm chí ngay trong khâu tổ chức thi nâng ngạch với cán bộ công chức cũng có vấn đề. Tuy nhiên, có một thực tế mà dư luận vẫn nói là, con em cán bộ chẳng thấy ai kêu không thi được, hay không có việc làm cả. Những chuyện đấy chỉ rơi vào người dân thôi, nó là biểu hiện của việc rất thiếu minh bạch. Thi thì rất nhiều, tổ chức hoành tráng nhưng chỉ một khâu làm sai hoặc cố tình làm sai sẽ sai lệch tất cả, đấy là khâu chấm bài. Nếu như có điều kiện, nếu Bộ trưởng Bộ Nội vụ đăng đàn, tôi có thể đặt vấn đề này ra chất vấn.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Chất vấn công tác cán bộ là rất có ý nghĩa

Bổ nhiệm người nhà, dự án 'đắp chiếu' ảnh 2

Công tác tổ chức, cán bộ là khâu then chốt, là yếu tố quyết định cho mọi vấn đề. Cho nên qua nhiều phiên thảo luận ở Quốc hội, chúng ta vẫn nhìn nhận, đánh giá là bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc cần phải được thu gọn; đội ngũ cán bộ nhiều nhưng chưa chất lượng, cần phải tinh giản, được rà soát đánh giá lại. Thực tế tình trạng trên không phải bây giờ mới đề cập, mà đã diễn ra trong nhiều năm qua và chưa có giải pháp xử lý triệt để. Do đó, việc lựa chọn vấn đề trên để chất vấn là rất có ý nghĩa. Qua chất vấn sẽ làm rõ thực trạng và đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tạo ra sự quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị để làm xoay chuyển tình hình.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội): Xác định trách nhiệm đối với các dự án lãng phí

Bổ nhiệm người nhà, dự án 'đắp chiếu' ảnh 3

Những công trình dự án lớn đắp chiếu đang phản ánh rõ ràng có sự lãng phí, cũng như quyết định đầu tư chưa sát thực tế, chưa tính toán đầy đủ và đương nhiên cũng xác định trách nhiệm của các ngành đối với từng dự án.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu

Những công trình dự án lớn đắp chiếu đang phản ánh rõ ràng có sự lãng phí, cũng như quyết định đầu tư chưa sát thực tế, chưa tính toán đầy đủ và đương nhiên cũng xác định trách nhiệm của các ngành đối với từng dự án. Tôi cho rằng đây là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm và chắc chắn sẽ nêu câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Về biên chế bổ nhiệm cán bộ không đạt chuẩn, đây là vấn đề rất lớn, khi nêu vấn đề này Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực cần có những giải trình cụ thể để tạo thêm sự đồng thuận, quyết tâm trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội những năm tới để khắc phục được dự án lãng phí và chọn được người xứng đáng vào bộ máy.

ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương): Chỉ rõ trách nhiệm mới không tái diễn dự án lãng phí

Bổ nhiệm người nhà, dự án 'đắp chiếu' ảnh 4

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, các đại biểu mong muốn qua chất vấn sẽ làm rõ tình trạng các dự án đầu tư nghìn tỷ nhưng không hoạt động, nằm đắp chiếu, hoặc càng làm, càng thua lỗ. 

ĐBQH Vũ Trọng Kim

Việc lựa chọn các dự án đầu tư nghìn tỷ không hiệu quả, nằm đắp chiếu để chất vấn là hoàn toàn chính xác. Bởi đây là vấn đề được cử tri và dư luận rất quan tâm. Vấn đề này cũng đã được các đại biểu nhắc đến nhiều, từ khóa trước, chứ không phải khóa này mới nói. Do đó, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, các đại biểu mong muốn qua chất vấn sẽ làm rõ tình trạng các dự án đầu tư nghìn tỷ nhưng không hoạt động, nằm đắp chiếu, hoặc càng làm, càng thua lỗ. Ngoài 5 dự án mà Chính phủ đã báo cáo thì còn những dự án nào nữa? Qua chất vấn, sẽ tìm ra nguyên nhân và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có vi phạm. Như vậy mới không tái diễn các trường hợp tương tự.

Nội dung chất vấn 4 bộ trưởng

Ngày mai (15/11), 4 Bộ trưởng gồm: Công Thương, Nội vụ, GD&ĐT, TN&MT sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu về những vấn đề bức xúc mà cử tri, xã hội đặt ra.

Theo đó, những vấn đề “nóng” được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là việc thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thẩm định triển khai các dự án để xảy ra sự cố môi trường…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là về tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

MỚI - NÓNG