Trong khi vắc-xin sởi đã được gửi về các địa phương để thực hiện chiến dịch tiêm vét cho trẻ từ 9 tháng đến 24 tháng tuổi, khi dịch sởi bùng phát nhiều tỉnh đã ứng phó với đợt tiêm này một cách lơ là.
Theo báo cáo của Bộ Y tế đến thời điểm hiện tại có 22 địa phương có tỉ lệ tiêm ngừa sởi thấp dưới 50%, trong khi yêu cầu của Bộ Y tế là chiến dịch tiêm vét ngừa sởi phải kết thúc trong tháng 4/2014.
Trong số này, có một số tỉnh như Bình Phước tỷ lệ tiêm chỉ đạt 8,21%; tỉnh Cao Bằng mới tiêm được cho 18,15% số trẻ, trong khi Lai Châu 41%, Long An 15,87% và Đồng Nai 27,35%.
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai nói rằng tỷ lệ mà Bộ Y tế công bố trên là báo cáo của tỉnh này cách đây một tuần. “Tính đến thời điểm này chúng tôi tiêm vét và đạt trên 44%”.
Theo bác sĩ Ngưỡng hiện tại ở Đồng Nai không có ổ dịch. Từ đầu năm đến nay nơi đây ghi nhận có 320 trường hợp phát ban nghi sởi. Tuy nhiên, trong số 104 mẫu gửi đi xét nghiệm sởi thì chỉ có 33 trường hợp dương tính với bệnh. “Chúng tôi cũng lo lắng bởi trong số này có 18 trẻ chưa đủ 9 tháng tuổi, ngưỡng dưới tiêm vắc- xin lại mắc bệnh”- bác sĩ Ngưỡng cho hay.
Mặc dù từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Phước đã có 80 trường hợp mắc sởi, trong đó có nhiều ca biến chứng được chuyển lên các bệnh viện nhi ở TPHCM điều trị. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm ngừa vắc- xin ở đây lại rất thấp chỉ đạt hơn 8%.
Khi phóng viên liên lạc với ông Nguyễn Đông Thông- giám đốc Sở Y tế Bình Phước để tìm hiểu nguyên nhân, người này cho rằng “tỷ lệ thấp là tiêm vét và vấn đề không quan trọng, sẽ báo cáo cho Bộ Y tế”. Ông này từ chối tiếp xúc với báo chí.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 22/4, bác sĩ Lê Thanh Liêm- Giám đốc Sở Y tế Long An, nơi có tỷ lệ tiêm vét vắc- xin cũng chỉ đạt gần 16%, cho biết chiến dịch tiêm vắc- xin theo chương trình đạt gần 98% nên tiêm vét lại có tỷ lệ thấp.
Người đứng đầu ngành y tế Long An, cho rằng vấn đề lo ngại tai biến của vắc- xin như Quivaxem vừa qua đã không được giải thích tường tận khiến cho người dân ngại khi đưa trẻ đi tiêm phòng sởi.
“Chúng tôi thấy tỷ lệ tử vong do sởi tăng lên cao như vậy là có vấn đề”- người này nói, đồng thời cho biết “cứ trung bình 1.000 ca sởi thì có một ca tử vong ở các nước phát triển, còn chúng ta có đến 120 ca tử vong thì nên xem lại vấn đề tiêm chủng và công tác dự phòng cũng như điều trị”.