> Công bộc
Ông Thang Văn Phúc. |
Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) được triển khai 10 năm (2001-2010) gồm: Cải cách thể chế; bộ máy; công chức, công vụ; tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Đây là cuộc cải cách cơ bản, tổng thể cho đồng bộ với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Với yêu cầu này, cơ cấu lại bộ máy nhà nước trên phương diện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, để hình thành “đội hình, đội ngũ”.
Bộ đa ngành là tất yếu
Vậy “đội hình, đội ngũ” trong bộ máy nhà nước đã được chúng ta điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
Mặc dù đã tiến những bước quan trọng nhưng chúng ta chưa hài lòng với kết quả đạt được. Từ trước cải cách, chúng ta có 76 đầu mối của Chính phủ, bao gồm các bộ và cơ quan thuộc Chính phủ.
Đến khóa XI, chúng ta còn 26 bộ và 12 cơ quan thuộc Chính phủ, như vậy là giảm gần một nửa. Đến khóa XII, giảm còn 22 bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là bước tiến, bởi như Bộ NN&PTNT là hợp nhất của 7- 8 đầu mối.
Việc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực là tất yếu, không lùi được. Trên cơ sở đó mới thu gọn được đầu mối. Tại các nước phát triển chỉ có 12- 13 bộ, bởi càng nhiều bộ thì càng nảy sinh chồng chéo. Cần kiên quyết duy trì xu thế giảm đầu mối. Nếu khóa tới chúng ta giảm xuống còn 20 bộ thì tốt, nếu không được thì cũng phải giữ nguyên như hiện nay. Tôi cho rằng, xu thế là chúng ta có bộ máy dưới 20 bộ là tốt nhất.
Hợp nhất các bộ nhưng lại có xu hướng phình to bộ do thành lập nhiều tổng cục?
Đó chính là mục tiêu mà cải cách bộ máy không đạt được. Chúng ta đã không nhất quán trong xác định chức năng và tiêu chuẩn để tổ chức cấp cục và tổng cục. Có xu hướng muốn thò tay trực tiếp vào những việc cụ thể nên bộ máy trong bộ mới phình to.
Có những việc để một đầu mối giải quyết là tốt, nhưng nâng cấp lên, lập một tổng cục là buộc phải phối hợp. Mà phối hợp là một trong những yếu kém nhất trong chỉ đạo điều hành của chúng ta. Đây là kẽ hở lớn nhất, mất thời gian nhất.
Đáng lẽ một việc cấp cục giải quyết rồi báo cáo lãnh đạo bộ. Nhưng khi lập ra tổng cục với nhiều cục trong đó thì tất yếu phải phối hợp, báo cáo lên lãnh đạo tổng cục rồi mới lên bộ. Kinh tế thị trường và những diễn biến thực tế này không cho phép chúng ta ngồi thảo luận, phối hợp nhiều mà cần đề cao sự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Như vậy, việc thành lập nhiều tổng cục chính là trở lại tư duy cũ?
Đúng vậy! Nhiều tổng cục dẫn đến sự phân khúc, phân tán trong quản lý. Thành lập thêm tổng cục thì thêm bộ máy, con người nên thủ tục hành chính cũng khó giảm được. Quản lý nhà nước hiện nay là gián tiếp nhưng trong thực tế chúng ta chuyển thành điều hành cụ thể, trực tiếp, không đúng với mục tiêu đang hướng tới.
Chúng ta cứ kêu là tại sao nhiều thủ tục thế, nhưng chính việc sinh ra bộ máy nên mới có thủ tục. Ví như, qua ngõ nhà tôi là tôi phải rào, quy định anh phải đi theo hướng này, lối kia. Dẫn đến toàn bộ hệ thống bị va, không tạo ra sự thống nhất, thông suốt. Trong khi, yêu cầu thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính là cực kỳ quan trọng. Đây là mục tiêu của mọi sự chỉ đạo và quản lý.
Trao quyền cho địa phương
Để bộ máy thông suốt, hiệu quả, còn có yêu cầu nào nữa?
Đó là phải tăng cường phân cấp. Chính phủ phân cấp cho bộ, bộ phân cấp cho địa phương. Ngôn ngữ của khoa học hành chính là phải “phi tập trung hóa”. Bởi tình hình xảy ra ở địa bàn này nhưng nơi khác không có. Do vậy, không thể bắt cả nước phải chạy theo. Phải trao quyền cho địa phương để họ ứng xử nhanh và họ phải chịu trách nhiệm với những ứng xử đó.
Cái gì trung ương kiểm soát được thì phân cấp. Phân cấp đi liền với kiểm soát. Như vậy, mới tạo sự đồng bộ trong toàn bộ hệ thống, đề cao được trách nhiệm của các cấp chính quyền. Người dân phải được giao tiếp trực tiếp với cơ quan ra quyết định, cấp phép. Còn ở ta, nhiều khi người dân, doanh nghiệp phải qua quá nhiều cửa. Những hành động này làm giảm hiệu lực, hiệu quả, tạo ra những thủ tục rối rắm; làm tăng tính phức tạp trong điều hòa, phối hợp của hệ thống bộ máy nhà nước.
Vậy trong tổ chức bộ máy tới đây, chúng ta phải điều chỉnh theo hướng nào?
Phải làm mạch lạc chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, trong đó có nhiệm vụ của Chính phủ và chính quyền các cấp trong quản lý nhà nước. Kiên quyết cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Chỉ giữ lại những doanh nghiệp mà các khu vực khác không làm được.
Ngoài ra, phải làm rõ chức năng các bộ. Đó là cơ quan đứng đầu hành chính về ngành và lĩnh vực. Từ đó trao đủ quyền cho bộ trưởng và bố trí nhân sự tương thích. Tăng quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Rà soát chức năng các đơn vị trong một bộ, cần thiết thì điều chỉnh cho phù hợp.
Trả lương theo vị trí công việc
Bộ máy quan trọng nhưng vấn đề quan trọng hơn là đội ngũ nào để đảm đương nhiệm vụ, thưa ông?
Luật Cán bộ công chức phải xác định rõ từng vị trí công việc. Không thể để một cơ quan rất nhỏ mà cũng có công chức cao cấp. Đáng ra, cơ quan đó chỉ cần công chức thừa hành. Nhiều chuyên gia nước ngoài hỏi tôi, sao cán bộ nước ông trình độ đại học nhiều thế, đối với họ như thế là lãng phí.
Bởi trong một cơ quan, một nhóm làm việc thì người đứng đầu là chuyên viên cao cấp, dưới là 2-3 chuyên viên chính, tiếp theo là chuyên viên thường. Đây là một cơ cấu hợp lý để vận hành hệ thống. Ở ta cứ thi là được, bội thực chuyên viên cao cấp, không tương xứng với nhu cầu công việc.
Bây giờ phải bố trí con người theo vị trí công việc. Như vậy, cần xác định được tiêu chuẩn của từng vị trí. Tách công chức với viên chức sự nghiệp. Công chức cũng bao gồm công chức hoạch định chính sách và công chức thừa hành. Trong đó, công chức hoạch định chính sách cực kỳ quan trọng, phải được đào tạo và trả lương xứng đáng.
Như vậy thì phải trả lương theo vị trí công việc?
Đúng vậy! Phải cải cách tiền lương, trả lương tương xứng cho từng vị trí công việc, tương xứng với mặt bằng chung. Trả lương hiện nay nhiều người nói như trò đùa, không ai sống được bằng lương cả. Do vậy, tiền lương phải trả theo đúng sức lao động và với vị trí, vai trò quản trị đất nước.
Ngọc Tiến