Bộ mặt thật của bác sĩ ném xác phi tang

Bộ mặt thật của bác sĩ ném xác phi tang
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường "nổ" mình là Thành viên Hiệp hội Thẩm mỹ TP.HCM, có 14 năm hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, mặc dù thẩm mỹ viện Cát Tường của ông này hoạt động vừa tròn... 6 tháng.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Mạnh Tường, 40 tuổi, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai khai sáng 19/10 chị Lê Thị Thanh Huyền, 39 tuổi, đến Thẩm mỹ viện Cát Tường do ông ta làm chủ tại số 45 đường Giải Phóng, Hà Nội để hút mỡ bụng và nâng ngực, đặt trước 50 triệu đồng.

Sau nhiều tiếng phẫu thuật, đến 16h cùng ngày, chị Huyền thấy chóng mặt, người tím tái, sùi bọt mép và tử vong. Tối hôm đó, ông Tường cùng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh, 17 tuổi, bê nạn nhân ra ôtô chở đến cầu Thanh Trì vứt phi tang.

Được đánh giá là bác sĩ có chuyên môn giỏi, chưa từng mắc lỗi nào trong quá trình làm việc, trong mắt đồng nghiệp, Tường không có biểu hiện suy đồi về đạo đức, quan hệ trong tập thể tốt. Người này được đào tạo khá bài bản về ngành Y vào thời điểm bị bắt đang dang dở nghiên cứu để bảo vệ luận án tiến sĩ.

Ông Tường tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, khóa 1990-1996. Trong mắt bạn bè, vị bác sĩ này cũng có khuôn mặt khá là hiền lành, "không đến nỗi nào", không ngờ lại có hành động mất nhân tính như thế.

Năm 2002, ông Tường về làm việc tại Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình Bệnh viện E, sau 3 năm thì về Bệnh viện Bạch Mai công tác. Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, chỉ quản lý nhân viên trong giờ hành chính.

Ngày 20/10, bác sĩ Tường vẫn đi làm bình thường tại Khoa Ngoại, tinh thần chỉ hơi phảng phất nét mệt mỏi. Cho đến khi có thông tin trên báo thì cả bệnh viện cũng mới biết bác sĩ Tường sở hữu một thẩm mỹ viện riêng với chuyên môn chính là chấn thương - chỉnh hình.

Để thu hút khách hàng, bác sĩ Tường "nổ" mình là Thành viên Hiệp hội Thẩm mỹ TP.Hồ Chí Minh, đã có 14 năm hành nghề trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) mặc dù thẩm mỹ viện của ông này hoạt động vừa tròn 6 tháng.

Đặc biệt Tường chưa qua bất kì khóa đào tạo chuyên sâu nào về phẫu thuật tạo hình (PTTH) và PTTM nào tại Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ.

Phóng viên đã trao đổi với PGS.BS Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc Bệnh viện E, nơi Nguyễn Mạnh Tường từng công tác. Ông Nghị cho biết: Khi về đây, anh Tường là bác sĩ mới, chưa được đứng mổ một ca nào.

Ngôi nhà của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường xây kiên cố, nằm sâu trong ngõ đường Trần Cung (thuộc tổ 6A, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội) hiện đóng cửa. Từ khi báo chí đưa tin, hàng xóm không thấy ai ra vào ngôi nhà này nữa. Vợ và hai người con trai của bác sĩ Tường cũng không thấy xuất hiện kể từ khi chồng bị bắt. Hàng xóm cũng chỉ biết bác sĩ Tường làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai, chứ không hề biết bác sĩ này có cả một thẩm mĩ viện.

Thời gian Tường làm việc dù chỉ có ba năm ngắn ngủi trước khi chuyển công tác sang Bạch Mai nhưng PGS.BS Đoàn Hữu Nghị cũng nắm được những nét chính về tính cách của vị bác sỹ này: "Tường là một người khéo léo, nhưng khi nói về khả năng của mình đôi khi cũng nói quá".

Nêu ý kiến cá nhân về việc bác sĩ Tường vừa gây ra, PGS.BS Đoàn Hữu Nghị chia sẻ: "Tôi thấy Tường là một người liều lĩnh. Không được đào tạo về PTTH mà dám mở một thẩm mỹ viện, cố ý làm sai quy định của Sở Y tế. Không biết trình độ chuyên môn của Tường thế nào nhưng rõ ràng phòng mạch tư không được phép phẫu thuật như thế.

Bằng chấn thương chỉnh hình, nếu có thêm chứng chỉ PTTM thì Tường chỉ có thể làm một số thủ thuật nhỏ, còn đến độ phải gây mê phức tạp thì không được phép".

Bác sĩ Nghị cho biết, làm phẫu thuật dù là bất cứ trường hợp nào cũng phức tạp và thời gian kéo dài. "Khi có tai biến, sao không đưa bệnh nhân tới ngay Bạch Mai cách đó vài bước chân để cấp cứu và giải quyết, lại tự ý cấp cứu luôn. Phẫu thuật phức tạp mà lại chỉ có một mình Tường là bác sĩ, không đủ phương tiện, nhân lực để bệnh nhân tử vong.

Khi bệnh nhân đã tử vong, rồi lại nghĩ kế để phi tang xác bệnh nhân, trốn tránh trách nhiệm", PGS Nghị bất bình nói.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện E, khi biết sự việc xảy ra với bác sĩ Tường - là chồng của chị H. - hiện là cán bộ bệnh viện E, ông đã cử người đến tìm hiểu thì được biết chị H. có khuyên chồng đưa bệnh nhân vào Bạch Mai khi xảy ra việc gấp.

"Tôi thấy đó là lời khuyên đúng đắn, hợp lý với tính cách của cô H. được đánh giá là người tốt, thân thiện ở bệnh viện. Người chồng lại quá quyết đoán, tự tin đến liều lĩnh, không đưa vào mà giữ lại phòng khám để cấp cứu. Anh chồng không nghe hoặc là đang tính toán nên không tự thú" - bác sĩ Nghị chia sẻ.

>> DIỄN BIẾN VỤ ÁN BÁC SỸ LÀM CHẾT NGƯỜI VỨT XÁC PHI TANG<<

Theo Cảnh sát toàn cầu

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG