Lên chương trình xuất khẩu cử nhân
Để giải quyết việc làm cho những lao động qua đào tạo đang thất nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Một số thị trường lao động được hướng tới như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Slovakia...
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đề án trên hiện mới xong dự thảo lần 1, đang tiếp tục chỉnh sửa. “Đây là chương trình lần đầu xây dựng, trong đó sẽ đưa ra những giải pháp hỗ trợ, giải quyết một phần lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học ra trường chưa tìm được việc làm trong nước”, ông Nam nói. Tuy vậy, ông Nam chưa tiết lộ nội dung, giải pháp cụ thể do phải nghiên cứu thêm.
Theo ông Nam, dù nói hiện nay Việt Nam có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp, nhưng những thông tin cụ thể để đánh giá, bình luận chưa có. “Chúng tôi đang khảo sát xem những cử nhân thất nghiệp này thuộc nhóm đối tượng nào, học ngành nghề nào (kỹ thuật hay xã hội); thất nghiệp vì không tìm được việc làm, hay tìm được việc làm nhưng không thỏa mãn nhu cầu của họ nên không đi làm… Phải có những con số đó mới tính tới nhu cầu thị trường quốc tế và đưa ra giải pháp thực hiện”, ông Nam nói.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) cho rằng, việc đưa được lao động qua đào tạo, có trình độ kỹ thuật của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khả thi hay không còn tùy từng ngành nghề. Ông dẫn chứng, như vừa qua thí điểm đưa lao động điều dưỡng, y tá sang làm ở Nhật Bản, CHLB Đức được phía bạn tiếp nhận đánh giá cao về chuyên môn; hay lao động ngành công nghệ thông tin sang làm việc tại Nhật Bản, Singapore; thợ hàn bậc cao sang Hàn Quốc... những ngành nghề đó đều rất khả thi, dù lao động phải đào tạo thêm trước khi đưa đi nước ngoài. “Vấn đề đặt ra là chất lượng và ngành nghề mình đào tạo có phù hợp với nhu cầu các nước hay không. Không phải cứ cử nhân học ngành nghề gì cũng có thể đưa đi làm việc ở nước ngoài được, đây là điều cần nghiên cứu kỹ lưỡng”, ông Tân nói.
Theo ông Tân, đề án của Bộ LĐ-TB&XH phải giải quyết được câu chuyện đào tạo ngành nghề phù hợp với yêu cầu thị trường các nước, không phải đào tạo tràn lan như Việt Nam hiện nay. Vì vậy, nên biết thị trường cần gì, mức độ chuyên môn tới đâu, nhu cầu bao nhiêu để không làm ồ ạt... Phải cụ thể mới thực hiện được.
Học cao đẳng thích đi làm công nhân
Anh Nguyễn Văn Hải (27 tuổi, quê Cẩm Giàng, Hải Dương) đang làm công nhân sản xuất nhựa tại Nhật Bản cho biết, sau khi tốt nghiệp cao đẳng kế toán đã đi làm cho một hãng viễn thông. Tuy nhiên, mức lương chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, anh tìm đường đi xuất khẩu lao động. “Ở Việt Nam công việc bấp bênh, lương lại thấp và cũng muốn tích cóp một số vốn để về Việt Nam làm lại từ đầu. Khi thấy một số bạn bè đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản kể công việc và thu nhập tốt, tôi cũng đi”, anh Hải kể. Năm 2015, sau khi trải qua kỳ thi tiếng Nhật và 4 tháng học nghề tại Việt Nam, anh Hải sang Nhật làm công nhân ngành nhựa, với số lương hơn 30 triệu đồng/tháng. Ở nước bạn làm lao động tay chân nhưng thu nhập cao, những kiến thức đã học ở Việt Nam anh Hải không dùng tới nữa.
Tham gia kỳ thi tiếng Hàn cuối năm 2016 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, anh Trần Văn Ngọc (22 tuổi, quê ở Hải Dương) cho biết: Vừa tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế Hải Dương, nhưng không đi xin việc trong nước mà bỏ chi phí đi học tiếng Hàn để mong được sang Hàn Quốc làm việc.
Đi làm công nhân ở nước ngoài đang trở thành lối thoát của không ít cử nhân, dù công việc không liên quan gì tới những thứ đã học ở Việt Nam. Nhiều cử nhân không còn mơ đến những công việc ngồi bàn giấy, phòng điều hòa, thu nhập ổn định, đã thực tế hơn khi tìm đến những cơ hội ở nước ngoài. Thậm chí, có người đang học đại học cũng bỏ học để tìm đường đi xuất khẩu lao động.
Theo Báo cáo thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH công bố, hiện cả nước có hơn 398,5 nghìn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (tốt nghiệp từ trung cấp trở lên) chưa có việc làm. Đặc biệt, nhóm cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp lên tới hơn 202 nghìn người.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2016, Việt Nam đưa được hơn 126 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài (tăng 8,8% so với năm 2015). Đây là năm thứ 3 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100 nghìn người/năm. Trong đó, thị trường trọng điểm tiếp nhận lao động Việt Nam vẫn là Đài Loan (hơn 68,2 nghìn người), Nhật Bản (hơn 39,9 nghìn người), Hàn Quốc (hơn 8,4 nghìn người)… Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa 105 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.