Lao động bỏ trốn, thị trường XKLĐ lung lay - Bài cuối:

Bộ LĐ-TB&XH nói gì việc lao động ào ạt bỏ trốn?

Lao động Việt Nam làm việc trong một xưởng cơ khí tại Đài Loan.
Lao động Việt Nam làm việc trong một xưởng cơ khí tại Đài Loan.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ mạnh tay chấn chỉnh tình trạng người lao động bỏ trốn và bắt đầu từ chính các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Bỏ trốn là cướp cơ hội của lao động khác

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Tại Hàn Quốc, trước tình trạng lao động bỏ trốn, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều biện pháp để ngăn chặn, như tăng mức xử phạt, tuyên truyền để người nhà kêu gọi người thân bỏ trốn về nước. Mới đây nhất, chính phủ hai nước đã miễn xử phạt với lao động bỏ trốn tự nguyện về nước trong năm nay. Nhờ đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc giảm từ gần 56% năm 2012 xuống còn gần 44% năm 2014.

Tại Nhật Bản, hiện tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn khoảng 4%. Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật, nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến lao động trốn ra ngoài làm chui?

Chi phí lao động bỏ ra để được xuất ngoại quá cao, trong khi mức lương chưa như kỳ vọng. Có tình trạng doanh nghiệp (DN) cạnh tranh không lành mạnh, trả phí môi giới cho đối tác ở nước bạn cao để giành hợp đồng, sau đó đẩy chi phí lên lao động. 

Bộ LĐ-TB&XH đã ấn định mức phí, như đi Đài Loan là 4.500 USD/người, Nhật Bản cao nhất là 3.600 USD/người… Còn người lao động, khi muốn đi làm không tìm trực tiếp tới DN, mà qua các đối tượng môi giới, nên chi phí bị đẩy lên. Điều này do thông tin tới người lao động chưa minh bạch.

Một số ý kiến cho rằng, do lao động làm tại các DN ghi trong hợp đồng có mức lương thấp hơn ngoài thị trường, trong khi chi phí đi quá cao nên họ mới bỏ trốn ra ngoài làm, ông nghĩ sao?

Điều này không hẳn. Nhưng có thực tế lỗi một phần từ chính các DN nước sở tại. Tại Hàn Quốc, do nhận lao động nước ngoài theo hợp đồng sẽ mất thời gian làm thủ tục, giấy tờ. Trong khi đó, nếu nhận lao động bỏ trốn sẽ không mất thời gian làm thủ tục và các chi phí liên quan (bảo hiểm, chế độ phúc lợi…), nên họ sẵn sàng trả lương cao hơn cho lao động bất hợp pháp.

Tôi rất phiền lòng vì người lao động của ta ham lương cao hơn mà bỏ trốn, khiến hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc trở nên khó khăn. Lao động bỏ trốn nhiều đã cướp đi cơ hội của những lao động khác, ước tính Việt Nam mất cơ hội việc làm của 12.000 lao động mỗi năm. Tôi mong lao động Việt Nam không nên chỉ nghĩ vì mình, cần nghĩ cho đất nước và những người đi sau.

Bộ LĐ-TB&XH nói gì việc lao động ào ạt bỏ trốn? ảnh 1

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp.

Xử lý DN thu phí vượt quy định 

Bộ đã có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn?

Bộ đã chỉ đạo chấn chỉnh, đặc biệt trong khâu công khai thông tin thị trường XKLĐ. Nâng cấp cổng thông tin của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, để công khai những hợp đồng được thẩm định, danh sách các DN được cấp phép XKLĐ, mức phí cho từng thị trường… Ngoài ra, các DN XKLĐ phải công khai trên website của mình những thông tin như hợp đồng được bộ thẩm định, số lượng tuyển. 

Hiện nay, chúng ta chỉ phạt DN trong nước đưa ra mức phí cao vượt quy định, trong khi đó DN đối tác chưa bị xử lý gì. Do đó, tới đây, nếu các DN đối tác tại các nước đưa ra mức phí quá cao, chúng tôi cũng không thẩm định, bắt buộc phải giảm phí. Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan của nước bạn để thống nhất lại mức phí.

Cùng với đó, chúng tôi chấn chỉnh hoạt động quản lý của DN với lao động mà DN đã đưa đi, DN nào có lao động bỏ trốn quá nhiều sẽ bị đình chỉ hoạt động. Với Đài Loan, hiện nay lao động bỏ trốn bình quân tại mỗi DN Việt Nam đưa đi khoảng 17%, mục tiêu nửa năm tới phải giảm xuống 15%, sau đó là xuống 12% rồi 10% sau 2 năm, nếu để cao hơn sẽ rút giấy phép.

Tình trạng trung gian nhiều, lừa đảo đưa người đi XKLĐ, thu phí cao hơn quy định đã diễn ra từ lâu. Phải xử lý tình trạng này thế nào, thưa ông?

Giải pháp hiện nay là phải tăng cường vai trò của Hiệp hội DN XKLĐ. Hiện, hằng năm, hiệp hội đều xếp hạng DN từ 1 tới 6 sao. Hoạt động xếp hạng này cần được nâng cao hơn, để những DN bị xếp 1-2 sao (chất lượng kém) và DN ngoài hiệp hội sẽ được Bộ LĐ-TB&XH tăng cường thanh kiểm tra. Những DN này thường có lao động bỏ trốn nhiều, môi giới dễ núp bóng hoạt động. Chúng tôi đồng thời xử lý nghiêm DN vi phạm, những đơn vị bị phạt hành chính trong một năm từ 2 lần trở lên có thể bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép…

Cảm ơn ông.

 Ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, người lao động cần cố gắng tiếp cận trực tiếp DN để tìm hiểu thông tin, không thông qua môi giới, trung gian; lựa chọn DN uy tín, mức phí hợp lý.

Hiện Việt Nam có 186 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động sang Nhật Bản, 112 doanh nghiệp được đưa lao động sang Đài Loan làm việc.

MỚI - NÓNG