Bộ GTVT yêu cầu các trạm thu phí BOT 'thủ công' xả trạm khi ùn tắc dịp lễ

Trạm thu phí phải xả trạm nếu xảy ra ùn tắc dịp lễ 30/4 - 1/5 sắp tới.
Trạm thu phí phải xả trạm nếu xảy ra ùn tắc dịp lễ 30/4 - 1/5 sắp tới.
TPO - Do các trạm thu phí BOT cả nước hiện thực hiện thu phí thủ công là chủ yếu, nên mỗi dịp lễ, Tết, Bộ GTVT lại phát văn bản yêu cầu xả trạm nếu xảy ra ùn tắc. Mới nhất, Bộ GTVT lại yêu cầu xả trạm thu phí nếu ùn tắc dịp Lễ 30/4 – 1/5 tới.

Bộ Giao thông Vận tải  (GTVT) vừa phát đi văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 tới đây. 

Theo đó, Tổng cục Đường bộ được yêu cầu chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ tổ chức phân luồng giao thông, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí. 

Các trạm thu phí BOT chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài; có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm.

Bên cạnh đó, Tổng cục phối hợp chỉ đạo Sở GTVT các tỉnh thành tăng cường các giải pháp nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là về tốc độ, chở quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định.

Các đơn vị đang thi công xây dựng trên các tuyến đường đang khai thác có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn, không để ùn tắc giao thông do việc thi công các công trình.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các đơn vị công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông; kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết, khắc phục các sự cố, tai nạn xảy ra.

Trạm thu phí để ùn tắc bị xử lý ra sao?

Theo Nghị định 46/2016/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đã quy định rõ về xử phạt khi các trạm thu phí để xảy ra ùn tắc.

Theo đó, Điều 15 quy định: Phạt tiền từ 8 – 10 triệu đồng đối với trạm thu phí: Để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe dài từ trên 100 - 150 xe, hoặc để chiều dài dòng xe chờ từ 750 - 1.000m; Để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 10 - 20 phút.

Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng với trạm thu phí để đoàn xe ùn tắc từ trên 150 – 200 xe, hoặc chiều dài đoàn xe ùn tắc từ 1 – 2 km; Để 1 xe xếp hàng chờ trả phí mất từ 20 – 30 phút.

Phạt từ 30 – 40 triệu đồng với trạm thu phí để đoàn xe ùn tắc từ trên 200 xe, hoặc chiều dài đoàn xe ùn tắc lớn hơn 2km; Để 1 xe xếp hàng chờ qua trạm thu phí lớn hơn 30 phút.

Phạt từ 50 – 70 triệu đồng với các trạm thu phí để xảy ra các vi phạm trên mà không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại trạm thu phí.

Thẩm quyền xử phạt gồm: Chủ tịch UBND huyện (phạt tiền tới 20 triệu đồng), cấp tỉnh (phạt tới 40 triệu đồng); Thanh tra giao thông.

Khi ùn tắc xảy ra, để được xả trạm, trạm thu phí phải lập biên bản, và được xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dù quy định là vậy, nhưng thực tế thời gian qua số trạm thu phí phải xả trạm do ùn tắc rất ít. Điển hình, cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, chỉ có trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân (Hà Nội) phải xả trạm khoảng 30 phút. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.