Bộ GTVT bác phát ngôn “đổ lỗi” của Malaysia

Trong giai đoạn đầu tìm kiếm, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu yêu cầu nỗ lực tối đa, phối hợp tìm kiếm chiếc may bay nghi mất tích tại vùng biển Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo an ninh và an toàn
Trong giai đoạn đầu tìm kiếm, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu yêu cầu nỗ lực tối đa, phối hợp tìm kiếm chiếc may bay nghi mất tích tại vùng biển Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo an ninh và an toàn
Ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT cho rằng, các phát ngôn của Tổng giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Malaysia (DCA) liên quan trách nhiệm của Việt Nam trong việc tìm kiếm máy bay mất tích là không chuẩn xác.

Trả lời báo giới trong cuộc họp báo ngày 2/5 về vụ chiếc máy bay mang số hiệu MH370 mất tích, Tổng Giám đốc DCA – ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman - cho biết, khi máy bay này vượt qua điểm bay Igari trên Biển Đông, chiếc phi cơ chính thức thuộc trách nhiệm của đài kiểm soát không phận Việt Nam.

Bác bỏ ý kiến này, ông Lại Xuân Thanh khẳng định: Vấn đề ở đây là không có bằng chứng cho thấy tàu bay đã vượt qua điểm chuyển giao này vào vùng trời do Việt Nam quản lý.

Máy bay mang số hiệu MH370 đã mất tín hiệu trước khi tới điểm chuyển giao và tổ bay chưa thiết lập liên lạc với cơ quan điều hành bay của Việt Nam. Do vậy, việc chuyển giao chưa được hoàn tất. Việt Nam chưa thực hiện điều hành, kiểm soát với tàu bay này.

Theo ông Thanh, cơ quan không lưu của hai bên đã hiệp đồng thời điểm chuyển giao là 17 giờ 22 phút (giờ quốc tế), nhưng đến 17 giờ 20 phút 43 giây, đài kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC Hồ Chí Minh) không nhận được tín hiệu của chiếc máy bay này.

Trên hệ thống của Malaysia cũng ghi nhận, thời điểm cuối cùng có tín hiệu tàu bay trên màn hình ra đa là trước 17 giờ 22 phút. Lúc này, tàu bay đang ở trong vùng thông báo bay của Singapore và được Singapore uỷ quyền cho Malaysia điều hành.

Theo Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong trường hợp tàu bay mất tích đang bay tại vùng giáp ranh giữa các vùng thông báo bay thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về quốc gia có liên lạc cuối cùng với tàu bay. Ở trường hợp này, trách nhiệm phải thuộc về Malaysia, ông Lại Xuân Thanh nói.

Mọi thông tin về việc không thiết lập được liên lạc với MH 370 đã được kiểm soát viên không lưu thông báo với ACC Kualalumpure ngay trong giai đoạn hồ nghi.

Theo ông Thanh, trong 12 phút chậm thông báo mất tín hiệu chiếc MH370 cho phía Malaysia so với thoả thuận thư giữa hai cơ quan không lưu mà DCA đề cập, ACC Hồ Chí Minh đã cố gắng để liên lạc với tổ bay điều khiển theo quy định.

Ông Thanh cho biết: Chúng tôi đã kiểm tra việc thực hiện các quy định về không lưu và tìm kiếm cứu nạn trong vụ việc này và khẳng định, kiểm soát viên không lưu, ACC Hồ Chí Minh đã thực hiện đầy đủ quy trình dịch vụ báo động.

Ngay sau khi mất tín hiệu của chiếc MH370, ACC Hồ Chí Minh đã cố gắng thiết lập liên lạc với tổ bay nhưng không được. Cơ quan không lưu đã sử dụng các tần số khẩn nguy, yêu cầu tổ lái của các tàu bay khác hỗ trợ tìm kiếm và liên lạc với tổ bay MH370 nhưng đều không được.

Sau 30 phút, (hết thời gian tối đa cho giai đoạn hồ nghi), ACC Hồ Chí Minh đã chuyển sang giai đoạn báo động và liên lạc với các cơ quan kiểm soát vùng thông báo bay lân cận để tìm kiếm tàu bay mất tín hiệu. Có thể nói, Việt Nam đã hoàn thành các trách nhiệm của một quốc gia điều hành vùng thông báo bay có khả năng chiếc MH 370 bay vào.

Thừa nhận kiểm soát viên không lưu của ACC Hồ Chí Minh đã thông báo chậm cho phía bạn 12 phút so với thoả thuận giữa hai cơ quan không lưu, nhưng ông Thanh nhấn mạnh, việc Việt Nam thông báo chậm không ảnh hưởng nhiều tới việc tìm kiếm chiếc tàu bay trên thực tế của Malaysia.

Bởi phải 4 tiếng sau khi nhận được thông báo chính thức từ ACC Hồ Chí Minh về việc không nhận được tín hiệu tàu bay MH 370, cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Malaysia mới chính thức phát đi yêu cầu tìm kiếm chiếc tàu bay mất tích.

Và phải sau đó 1 tiếng, Việt Nam mới chính thức nhận được thông báo này khi Malaysia gửi thông báo tới các cơ quan hàng không của các nước liên quan.

Về các phát ngôn “đổ lỗi” của ông tổng giám đốc DCA, ông Lại Xuân Thanh cho biết Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ có văn bản yêu cầu Malaysia thông tin chính thức về việc này.

Khi nhận được những đánh giá mang tính chính thức qua đường công văn liên quan tới trách nhiệm tìm kiếm MH 370, chúng tôi cũng sẽ có văn bản trả lời chính thống, ông Thanh cho biết.

Theo Nam Anh

Theo Giao thông Vận tải
MỚI - NÓNG
Lưu ý hồ thủy điện Thác Bà tình huống xả lũ khẩn cấp
Lưu ý hồ thủy điện Thác Bà tình huống xả lũ khẩn cấp
TPO - Bộ Công Thương đã kiểm tra đập chính và 8 đập phụ của hồ thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Kiểm tra trực quan đập không có bất thường. Bộ Công Thương yêu cầu Công ty Thủy điện Thác Bà cần huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệnh vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.