Bộ Giáo dục công bố hướng dẫn tuyển sinh ĐH,CĐ 2015

Thí sinh mùa tuyển sinh 2014. Ảnh: QĐ.
Thí sinh mùa tuyển sinh 2014. Ảnh: QĐ.
Bộ Giáo dục yêu cầu các trường trong thời gian nhận hồ sơ của một đợt xét tuyển cứ ba ngày một lần công bố danh sách các thí sinh đã đăng ký xét tuyển theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp. Bộ khuyến khích các trường công bố kết quả trúng tuyển tạm thời cập nhật đến ngày công bố.

Chiều 25/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015 nhằm thống nhất thực hiện công tác tuyển sinh trong các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng.

Xét tuyển thí sinh đăng ký sử dụng kết quả thi để xét vào ĐH,CĐ

Theo quy định, các trường sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển chỉ được xét tuyển các thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Những trường này tổ chức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh, trả hồ sơ ĐKXT cho thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ (đối với xét tuyển nguyện vọng I); cập nhật dữ liệu ĐKXT của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường trên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia.

Các trường có tổ chức sơ tuyển và các trường có tổ chức thi môn năng khiếu, cần xây dựng kế hoạch sơ tuyển hoặc thi các môn năng khiếu đảm bảo có kết quả sơ tuyển hoặc thi năng khiếu trước ngày 1/8 và cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia sau khi có kết quả.

Các trường tuyển sinh riêng tổ chức tuyển sinh theo Đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chế tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT xác nhận bằng văn bản.

Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31/10 đối với trường đại học và 20/11 đối với trường cao đẳng.

Công khai thông tin từng đợt xét tuyển

Trước mỗi đợt xét tuyển, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử các nội dung: Chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành (gọi chung là ngành) đối với đợt xét tuyển đó; Tổ hợp các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành. (Trường hợp sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành, trường cần quy định rõ cách thức xét tuyển đối với từng tổ hợp. Những ngành trường đã tuyển sinh từ năm 2014 trở về trước phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống); Cách thức xử lý khi các thí sinh có cùng điểm xét tuyển; các điều kiện bổ sung (nếu có).

Các trường cũng phải công khai điểm xét tuyển của trường hoặc từng ngành. Điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục quy định và đảm bảo yêu cầu: điểm xét tuyển đợt xét tuyển sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.

Thí sinh được rút hồ sơ trong đợt xét tuyển đầu tiên

Thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng I để đăng ký vào 1 trường ĐH hoặc CĐ, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.

Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng ký  ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Thí sinh được dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận cho đợt xét tuyển bổ sung

Bộ Giáo dục cho phép thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau.

Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo. Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.

Công khai danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường

Bộ Giáo dục yêu cầu các trường ít nhất mỗi ngày một lần phải cập nhật thông tin ĐKXT (bao gồm danh sách các thí sinh ĐKXT và danh sách các thí sinh rút hồ sơ ĐKXT) vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và nhận dữ liệu của thí sinh từ hệ thống để xét tuyển. 

Trong thời gian nhận hồ sơ của một đợt xét tuyển, ba ngày một lần các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp. Bộ khuyến khích các trường công bố kết quả trúng tuyển tạm thời cập nhật đến ngày công bố.

Các trường ĐH chủ trì cụm thi hoàn thành chấm thi. Gửi đĩa dữ liệu kết quả thi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trước 20/7. Các cơ sở giáo dục xử lý dữ liệu, công bố tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào, kết quả thi của thí sinh trên mạng Internet và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 1/8.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.