Bộ GD&ĐT thông tin về chính sách học phí năm học 2022 - 2023

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm học 2022 - 2023, mức học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được giữ ổn định, bằng mức học phí của năm học trước. Nếu địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023 thì sẽ dùng ngân sách địa phương bù vào phần chênh lệch tăng thêm.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thời gian qua Bộ GD&ĐT luôn chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong việc rà soát, đánh giá tác động của việc tăng học phí tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, đề xuất chính sách học phí năm học 2022 - 2023 phù hợp, ưu tiên kiểm soát lạm phát.

Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trên để trình Chính phủ (đã xin ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ).

Dự kiến, năm học 2022 - 2023, mức học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được giữ ổn định, bằng mức học phí của năm học 2021 - 2022 do Hội đồng nhân dân các tỉnh ban hành áp dụng tại địa bàn.

Báo cáo nêu rõ, nếu địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023 thì sẽ dùng ngân sách địa phương bù vào phần chênh lệch tăng thêm so với năm học 2021 - 2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.

Cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt. Trong đó, khuyến khích địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.

Với học phí các trường đại học công lập, Nghị quyết dự kiến giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022.

Nhà nước sẽ cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Lộ trình tăng học phí: Học phí mầm non, tiểu học, phổ thông tăng 7,5%, đại học tăng 12,5%

Tháng 8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Do dịch vụ giáo dục ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nếu thực hiện lộ trình tính đủ chi phí vào năm 2021 thì mức học phí tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Theo đó Nghị định số 81 quy định giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022, không tăng so với năm học 2020-2021 để chia sẻ khó khăn với người dân do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Từ năm học 2022-2023, mức tăng học phí hằng năm phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế hàng năm.

Cụ thể, tăng khoảng 7,5%/năm đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và 12,5%/năm đối với giáo dục đại học công lập. Mức tăng này cao hơn lộ trình học phí giai đoạn 2016-2020 quy định tại Nghị định số 86/2015 là 2,5%/năm để bù đắp tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng.

Theo lộ trình học phí tại Nghị định số 81/2021, dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí giáo dục đại học công lập, đến năm 2030 tính đủ chi phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập.

Riêng đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng mức trần học phí gấp 2 hoặc 2,5 lần đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên nên cơ bản đã bù đắp được chi phí theo yêu cầu của Nghị quyết số 19.

Tính đến 30/10, cả nước có 8 địa phương quyết định miễn học phí một phần hoặc toàn phần cho học sinh các cấp, gồm: Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Bình.

Cũng liên quan tới học phí, hồi đầu tháng 8/2022, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ miễn giảm học phí bậc THCS. Tuy nhiên, đến nay phương án này chưa được chấp thuận. Do vậy, hầu hết các địa phương trên cả nước chưa quyết định mức thu và phương án thu học phí năm học 2022 - 2023 nhằm mục đích chờ quyết định của Chính phủ và hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.