Thấy gì từ vụ phụ huynh cầm dao ép hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dư luận đang xôn xao trước việc phụ huynh vác dao xông vào phòng Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Sơn Lâm bắt quỳ xin lỗi, do bức xúc việc hai con bị nhắc chưa đóng bảo hiểm y tế.

“Tôi xấu hổ, nhục nhã”

Sự việc xảy ra khi khoảng 13h45 ngày 31/10, ông Điệp mang theo dao chừng 40 cm xông vào phòng của thầy Phan Đình Thống, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lâm, đóng ở xã Sơn Lâm. Ông Điệp bị cáo buộc đe dọa, bắt thầy Thống phải quỳ xin lỗi.

Vị hiệu trưởng này cho rằng, lí do “quỳ gối” là do quá hoảng loạn, để bảo vệ tính mạng nên phải quỳ xuống. Ông Điệp sau đó đi ra sân, to tiếng và đe dọa một số giáo viên.

Làm việc với lực lượng chức năng, ông Điệp thừa nhận hành vi, khai trưa cùng ngày có uống rượu tại đám cưới, khi nghe hai con đi học về kể việc bị Hiệu trưởng gọi lên phòng hỏi về việc tại sao phụ huynh chưa đóng bảo hiểm y tế nên bức xúc.

Nói về việc này, thầy Thống cho rằng, cũng hơi tế nhị. Có thể việc gọi học sinh lên phòng hỏi đã gây tâm lý bức xúc tới phụ huynh, khiến họ hành động như vậy.

"Bản thân cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước việc bị phụ huynh vác dao, bắt quỳ xin lỗi"- ông Thống nói

Áp lực do chỉ đạo trên xuống giao cho nhà trường?

Thầy Thống cho biết, bảo hiểm Y tế bắt buộc, thực tế là bên bảo hiểm phải thu nhưng có văn bản của Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh gửi lên Sở GD&ĐT và chỉ đạo trên xuống giao cho nhà trường có trách nhiệm tuyên truyền đến cán bộ giáo viên, học sinh, tổ chức thu bảo hiểm y tế để đạt 100% học sinh phải tham gia.

“Nếu không đạt, trước hết Phòng GD&ĐT phê bình bằng miệng do không hoàn thành nhiệm vụ, sau đó UBND huyện sẽ có nhắc nhở", thầy Thống nói.

Ông Thống nói thêm, đây là việc chung thì phải làm và trường cảm thấy rất áp lực. Hiện tại, trường đã thu được 93%, còn 14 em chưa nộp, trong đó có 2 học sinh con của phụ huynh vác dao xông vào trường.

Cũng theo thầy Thống, thầy đã biết lỗi và rút kinh nghiệm về hành xử khi đã phát loa gọi tên các em trước trường. Nhưng dù vậy, nhà trường cảm thấy áp lực khi thu bảo hiểm chưa đủ chỉ tiêu.

Việc phụ huynh vác dao xông vào phòng Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Sơn Lâm bắt quỳ xin lỗi, do bức xúc việc hai con bị nhắc chưa đóng bảo hiểm y tế gây bức xúc và gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

"Nỗi buồn của những người làm giáo dục"

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, hành động của phụ huynh vác dao vào dọa thầy hiệu trưởng và các giáo viên là hạnh động đáng lên án dù là nhà trường đúng hay là sai.

"Hành động bắt thầy hiệu trưởng quỳ gối là hành động hạ nhục người khác. Dù gì, đây là nơi các giáo viên đang dạy con em mình. Hình ảnh thầy hiệu trưởng quỳ gối gây phản cảm, bức xúc và là nỗi buồn của những người giảng dạy như chúng tôi"- thầy Bình nói.

Thầy Bình cho rằng, có lẽ chính việc các khoản thu chi không minh bạch ở các nhà trường đang mập mờ khiến lâu nay các trường vẫn đứng ra thu hộ. "Vậy các nhà trường có gì đó thì mới thu hộ chứ không đi làm hộ cái việc không phải của mình để làm gì"- thầy Bình nêu quan điểm.

Về việc thầy hiệu trưởng chỉ vì học sinh chưa đóng tiền bảo hiểm mà đưa lên loa phát thanh của trường là sai vì: "Không có quy định nào, điều lệ nào quy định là không đóng bảo hiểm y tế là bị phạt cả. Mà rõ ràng đây chỉ là vấn để xử lý tình huống. Chính vị hiệu trưởng cần phải xem lại việc làm của mình, rõ ràng là việc không đúng"- thầy Bình nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Văn Hanh (Trung Hòa, Hà Nội) cho rằng, cái sai ở đây là nhà trường đã làm một việc không phải việc cần phải làm là thu hộ cho bên bảo hiểm. Mặt khác, theo anh Hanh, nhà trường có thể có cách giải quyết khác hiệu quả hơn như gọi điện đến phụ huynh vì học sinh ở đây là hệ tiểu học vì các em còn bé có thể tiếp nhận thông tin rồi về báo với gia đình.

“Bài học này cũng là cách để các trường khác rút kinh nghiệm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Dù gì trong trường hợp này phụ huynh đã sai khi đã vác dao đến nhà trường”- anh Hanh cho biết.

Một giáo viên của một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, việc hiệu trưởng quỳ gối phụ huynh khiến hình ảnh người thầy quá xấu xí. "Tuy nhiên, chắc thầy hiệu trưởng không thể có khả năng tự vệ trong khi phụ huynh vác dao hung hăng nên thầy phải bất đắc dĩ làm việc này"- vị giáo viên này cho biết.

Ngoài ra, theo giáo viên này, việc nhà trường thu bảo hiểm y tế nhiều trường thu hộ là có thật.

“Nếu không có giáo viên thu tiền bảo hiểm thì làm gì có chuyện thu được đến 100%. Chắc nhà trường được chiết khấu phần trăm cao và được cấp trên khen nên dù không phải việc của nhà trường thì vẫn làm"- giáo viên này cho hay.

Phụ huynh lao vào trường cầm dao đe dọa thầy hiệu trưởng sẽ bị xử lý thế nào?

Hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, nếu hành vi này khiến nạn nhân sợ hãi và hiểu rằng việc giết người có thể xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý sức khỏe, người thực hiện hành vi đe dọa giết người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác để buộc nạn nhân phải thực hiện hành vi theo ý muốn của người đe dọa nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của nạn nhân, đây là hành vi làm nhục người khác.

Nếu hành vi làm nhục người khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân, người thực hiện hành vi làm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự.

Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà giáo bị phạt 5 đến 10 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng áp dụng đối với một trong các hành vi: Kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với nhà giáo.

Nghị định mới cũng quy định rõ, buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai.

MỚI - NÓNG