Bộ GD-ĐT giải thích về “độ khó” của việc dạy tích hợp, liên môn

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD-ĐT.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD-ĐT.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD-ĐT đã giải thích về dạy tích hợp, liên môn - vấn đề nhiều giáo viên than khó, vẫn chưa hiểu.

Một trong những điểm quan trọng của đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT là nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, trong đó tăng cường năng lực dạy học theo hướng tích hợp, liên môn là một trong những vấn đề cần ưu tiên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều giáo viên than khó, vẫn chưa hiểu thế nào là dạy tích hợp, liên môn.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề thế nào là dạy tích hợp, liên môn, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD-ĐT đã giải thích: 

Dạy học tích hợp, liên môn xuất phát từ yêu cầu của mục tiêu dạy học phát triển năng lực học sinh, đòi hỏi phải tăng cường yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Khi giải quyết một vấn đề trong thực tiễn, bao gồm cả tự nhiên và xã hội, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, liên quan đến nhiều môn học. Vì vậy, dạy học cần phải tăng cường theo hướng tích hợp, liên môn

Dạy học tích hợp có nghĩa là đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn học như: tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông...

Còn dạy học liên môn là phải xác định các nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học để dạy học, tránh việc học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau.

Đối với những kiến thức liên môn nhưng có một môn học chiếm ưu thế thì có thể bố trí dạy trong chương trình của môn đó và không dạy lại ở các môn khác. Trường hợp nội dung kiến thức có tính liên môn cao hơn thì sẽ tách ra thành các chủ đề liên môn để tổ chức dạy học riêng vào một thời điểm phù hợp, song song với quá trình dạy học các bộ môn liên quan.

Vậy việc dạy học liên môn, tích hợp có tác dụng như thế nào đối với học sinh và giáo viên như thế nào, thưa ông?

Trước hết, các chủ đề liên môn, tích hợp có tính thực tiễn nên sinh động, hấp dẫn đối với học sinh, có ưu thế trong việc tạo ra động cơ, hứng thú học tập cho học sinh. Học các chủ đề tích hợp, liên môn, học sinh được tăng cường vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn, ít phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.

Điều quan trọng hơn là các chủ đề tích hợp, liên môn giúp cho học sinh không phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau, vừa gây quá tải, nhàm chán, vừa không có được sự hiểu biết tổng quát cũng như khả năng ứng dụng của kiến thức tổng hợp vào thực tiễn.

Đối với giáo viên thì ban đầu có thể có chút khó khăn do việc phải tìm hiểu sâu hơn những kiến thức thuộc các môn học khác. Tuy nhiên khó khăn này chỉ là bước đầu và có thể khắc phục dễ dàng bởi hai lý do:

Thứ nhất, trong quá trình dạy học môn học của mình, giáo viên vẫn thường xuyên phải dạy những kiến thức có liên quan đến các môn học khác và vì vậy đã có sự am hiểu về những kiến thức liên môn đó.

Thứ hai, với việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, vai trò của giáo viên không còn là người truyền thụ kiến thức mà là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của học sinh cả ở trong và ngoài lớp học. Vì vậy, giáo viên các bộ môn liên quan có điều kiện và chủ động hơn trong sự phối hợp, hỗ trợ nhau trong dạy học.

Như vậy, dạy học theo các chủ đề liên môn không những giảm tải cho giáo viên trong việc dạy các kiến thức liên môn trong môn học của mình mà còn có tác dụng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kĩ năng sư phạm cho giáo viên, góp phần phát triển đội ngũ giáo viên bộ môn hiện nay.

Bộ GD-ĐT giải thích về “độ khó” của việc dạy tích hợp, liên môn ảnh 1

Trong những năm tới, giáo viên sẽ được trang bị thêm nhiều kiến thức.

Khó khăn là do tâm lý giáo viên 

Tuy nhiên, thực tế, hiện nay nhiều giáo viên vẫn chưa hiểu thế nào là dạy tích hợp, liên môn, với giáo viên đã thực hiện dạy thí điểm triển khai thì kêu gặp rất nhiều khó khăn. Ông có chia sẻ gì với khó khăn của giáo viên?

Khó khăn của giáo viên hiện nay nếu có chỉ là vấn đề tâm lí. Về thực chất thì không có nhiều khó khăn cả về kiến thức lẫn phương pháp dạy học. Hơn nữa, từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tích hợp nhiều nội dung giáo dục vào quá trình dạy học các môn học trong trường phổ thông như: giáo dục đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục pháp luật; giáo dục phòng chống tham nhũng;giáo dục chủ quyền quốc gia, tài nguyên và môi trường về biên giới, biển, đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giáo dục an toàn giao thông...

Về dạy học kiến thức liên môn, Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức tập huấn giáo viên về rà soát chương trình, sách giáo khoa, xây dựng các chủ đề liên môn. Để chuẩn bị cho năm học này, vừa qua Bộ GD-ĐT cũng đã tập huấn giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trong đó tập trung xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và chủ đề tích hợp, liên môn phù hợp với phương pháp dạy học tích cực và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, nhà trường. 

Bên cạnh tập huấn giáo viên cốt cán, chúng tôi nghĩ rằng, nơi tập huấn giáo viên tốt nhất chính là ở tổ bộ môn trong từng nhà trường. Chính vì vậy mà tới đây Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản "Hướng dẫn nội dung sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn và tham gia diễn đàn trên mạng về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong trường phổ thông".

Mục đích là để nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong trường phổ thông, tập trung vào thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đồng thời giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên bước đầu chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn.

Mặt khác xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề theo hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, tạo tiền đề tích cực cho việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Ông giải thích rõ hơn về sự khác nhau giữa chủ đề "đơn môn" và chủ đề "liên môn"?

Chủ đề đơn môn đề cập đến kiến thức thuộc về một môn học nào đó còn chủ đề liên môn đề cập đến kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học. Về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học thì không có gì khác biệt. Đối với một chủ đề, dù đơn môn hay liên môn, thì vẫn phải chú trọng việc ứng dụng kiến thức của chủ đề ấy, bao gồm ứng dụng vào thực tiễn cũng như ứng dụng trong các môn học khác. 

Do vậy, về mặt phương pháp dạy học thì không có phân biệt giữa dạy học một chủ đề đơn môn hay dạy học một chủ đề liên môn, tích hợp. Điều quan trọng là dạy học nhằm phát triển năng lực học sinh đòi hỏi phải tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho học sinh, mà các hoạt động ấy phải được tổ chức ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường, ở nhà và cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Nếu như vậy, giáo viên cần trang bị những gì để dạy học tích hợp, liên môn?

Giáo viên cũng không phải trang bị thêm nhiều về mặt kiến thức vì bản chất vẫn là dạy học môn học mà mình đang dạy. Mặt khác, trong những năm qua giáo viên cũng đã được trang bị thêm nhiều kiến thức mới về phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực.

Vấn đề bây giờ là phải vận dụng những kiến thức đó để: xây dựng các chủ đề dạy học; xác định những năng lực có thể phát triển cho học sinh trong mỗi chủ đề; biên soạn các câu hỏi, bài tập để đánh giá năng lực của học sinh trong dạy học; thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học của học sinh; tổ chức dạy học để dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm. Đó chính là nội dung trọng tâm sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn được nêu trong hướng dẫn nói trên.

Bộ GD&ĐT dự kiến yêu cầu các đơn vị đặt ra định mức cho mỗi tổ/nhóm chuyên môn là xây dựng và thực hiện được tối thiểu 02 chủ đề/học kì. Việc thực hiện những chủ đề ấy chính là môi trường huấn luyện tốt nhất cho giáo viên ở trong tổ bộ môn, trong nhà trường. Tất nhiên giáo viên còn phải tăng cường giao lưu với các tỉnh khác, đơn vị khác thông qua diễn đàn trên mạng mà Bộ GD&ĐT mới xây dựng.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Theo Việt Hạnh

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.