Bỏ ga ngầm C9: Lo ngại không đạt mục tiêu cả dự án

0:00 / 0:00
0:00
Thiết kế ga ngầm C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm
Thiết kế ga ngầm C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm
TP - Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa có văn bản gửi thành phố cho ý kiến về thiết kế ga ngầm C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm thuộc dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo MRB, nếu bỏ ga ngầm C9 lượng khách của dự án sẽ giảm trên 90%.

Trước tình trạng quy hoạch ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (tuyến đường sắt đô thị số 2) sau 10 năm vẫn đang giậm chân tại chỗ, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa họp với chủ đầu tư (Ban MRB) các sở ngành có liên quan và yêu cầu xem xét bỏ vị trí ga ngầm này để thúc đẩy tiến độ dự án.

Theo ông Tuấn, vị trí, thiết kế nhà ga ngầm C9 và đoạn đi ngầm tuyến số 2, dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cơ bản nằm trong vùng phụ cận và có một phần thân ga C9 và công trình phụ trợ nằm trong ranh giới khu vực bảo vệ II (dưới ngầm) của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. “Do vậy, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga C9 và các công trình phụ trợ đảm bảo không gây ảnh hưởng bất lợi đối với khu vực bảo vệ các di tích”, ông Tuấn thông tin.

Để đảm bảo tính khả thi, cũng như giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án đầu tư, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội giao Ban MRB (chủ đầu tư) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu bổ sung theo ba phương án, trong đó yêu cầu có phân tích, đánh giá ưu nhược điểm từng phương án, đề xuất báo cáo UBND thành phố xem xét trong tháng 3/2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Giảm trên 90% khách

Ngày 31/3, cho ý kiến về việc trên, Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban MRB, cho biết, sau khi lãnh đạo thành phố có chỉ đạo trên, MRB vừa có văn bản cho ý kiến về thiết kế ga ngầm C9. Theo ông Lê Trung Hiếu, với phương án giữ nguyên hướng tuyến, xem xét bỏ ga ngầm C9: Từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10 thì đoạn hầm dài 2,4km bắt đầu từ ga C8 đến ga C10 về kỹ thuật sẽ phải xem xét bố trí bổ sung ống thông hơi, thoát khí, lối thoát hiểm, an toàn chạy tàu... “Nếu dự án phải thay đổi thiết kế cơ sở của đoạn tuyến hầm đã phê duyệt, sẽ dẫn tới lưu lượng hành khách, phạm vi phục vụ của các ga liên quan khác sẽ thay đổi”, ông Hiếu thông tin.

Về hiệu quả hoạt động của dự án, ông Hiếu cho biết, nếu không xây dựng ga C9, dự tính lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị trong đó có tuyến số 2 và sẽ sụt giảm khoảng 90%. Dẫn chứng cho việc này, lãnh đạo MRB nêu: hành khách chỉ có thể lên xuống tàu tại ga C8 (cách khu vực hồ Hoàn Kiếm khoảng 1,2 km) và ga C10 (cách khu vực hồ Hoàn Kiếm khoảng 500 m). Do đó, phần lớn hành khách không sử dụng đường sắt đô thị mà vẫn sử dụng phương tiện giao thông cá nhân truyền thống dẫn đến sự lộn xộn, ách tắc, ô nhiễm môi trường của khu vực không thuyên giảm.

Cùng với đó, nếu bỏ ga C9 đồng nghĩa với việc bỏ trống hoàn toàn khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận ra khỏi phạm vi phục vụ của đường sắt đô thị, mà ở đây, nhu cầu đi lại của dân cư, người làm việc, khách tham quan, mua sắm rất lớn, dẫn đến người dân vẫn phải sử dụng các phương tiện giao thông truyền thống dẫn đến hiệu quả chung của mạng lưới bị giảm mạnh.

MỚI - NÓNG