Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:

Bộ đội Việt Nam đã '3 cùng' với người dân Campuchia

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Mạnh Thắng
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Mạnh Thắng
TP - Trò chuyện với Tiền Phong nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, những người lính Việt Nam giúp đỡ người dân Campuchia không chỉ theo mệnh lệnh mà còn là phẩm chất của người Việt Nam, của anh Bộ đội Cụ Hồ - được người dân Campuchia gọi là “Đội quân nhà Phật”.

Khi người trẻ tin vào chính nghĩa

40 năm đã trôi qua, nay nhìn lại cuộc chiến này điều gì khiến ông nhớ đến nhiều nhất?

Nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, điều tôi nghĩ đến đầu tiên là lứa thanh niên của đất nước ta thời ấy. Đó là những người sinh ra trong giai đoạn từ 1960 - 1962. Khi sinh ra đất nước vẫn đang trong giai đoạn chiến tranh, họ bước vào giai đoạn tuổi trẻ đẹp đẽ nhất, lúc đất nước ta vừa có hòa bình, nhưng lại bắt buộc phải bước vào cuộc chiến tranh mới, bảo vệ hai đầu biên giới của Tổ quốc.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lúc đó chúng ta chưa kịp chuẩn bị bố trí lại chiến trường cho cả miền Bắc và miền Nam. Khi Pôn Pốt đánh vào biên giới Tây Nam chúng ta chưa kịp chuẩn bị từ hệ thống phòng thủ, huấn luyện cho đến lực lượng... Hơn nữa, sau giải phóng nhiều cán bộ chiến sỹ của chúng ta đã ra quân, trở về quê hương xây dựng cuộc sống mới. Cho nên lực lượng quân đội không còn nhiều, trong giai đoạn đầu chúng ta cũng có bỡ ngỡ, lúng túng nhất định.

Nhưng chúng ta đã rất nhanh xốc lại đội hình, bước vào cuộc chiến mới với một đội quân hùng mạnh, nhưng rất trẻ. Khi đó, dù chưa có lệnh tổng động viên nhưng thanh niên cả nước đã hăng hái tình nguyện nhập ngũ. Thanh niên, sinh viên là vốn quý của dân tộc được chắt chiu, bồi dưỡng để phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhưng những người trẻ đó đã tự nguyện xung phong ra mặt trận để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh, phong trào tình nguyện nhập ngũ, hướng ra chiến trường diễn ra sôi động. Tất cả người dân thành phố đều hướng về mặt trận Tây Nam của Tổ quốc. Ở phía Bắc cũng có rất nhiều thanh niên tham gia vào cuộc chiến này. Có những đợt tuyển quân, tân binh được đưa thẳng ra mặt trận, nhưng họ đã rất nhanh chóng học được cách chiến đấu. Và chỉ vài năm sau, những người trẻ này đã trở thành những người lính dạn dày trận mạc và họ vẫn là một đội quân bách thắng như lớp cha anh đi trước.

Chúng ta đã liên tục giành chiến thắng khi đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, vậy điều gì khiến người dân Campuchia đặt niềm tin yêu vào bộ đội tình nguyện Việt Nam, thưa ông?

Trong những năm ở Campuchia, tôi chứng kiến bộ đội Việt Nam khổ cực, hy sinh gian khó trăm bề, nhưng luôn gan dạ, dũng cảm, lạc quan và đầy lòng nhân ái. Hàng vạn người lính đó luôn giữ được phẩm chất, đạo đức trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện như thế nào.

Thời đó, đất nước Campuchia dù bị tàn phá nặng nề, nhưng vẫn có nhiều vàng bạc cất giấu, nhất là các cung điện, nhà chùa Campuchia còn sót lại với nhiều đồ vật quý giá, nhưng không một người lính Việt Nam nào đụng vào. Ngay cả tài sản của Pol Pot cất giấu, khi bộ đội Việt Nam phát hiện ra đều trao trả lại cho Chính phủ và người dân Campuchia.

Trong 10 năm cuộc chiến xa nhà đằng đẵng, thường người ta nghĩ rằng, những người lính dễ sa ngã, buông thả. Nhưng bộ đội Việt Nam tuyệt đối không, họ giúp đỡ người dân Campuchia không chỉ theo mệnh lệnh và kỷ luật Quân đội, mà còn là bản năng của con người: nấu cơm cho trẻ em, chữa bệnh cho nhân dân, 3 cùng với nhân dân Campuchia như với chính nhân dân mình. Có lẽ vì thế nên người Campuchia gọi đội quân Việt Nam là “đội quân nhà Phật”, và bộ đội ta cũng nhận được sự ủng hộ to lớn của người dân Campuchia. Hồi đó, có một câu mà bộ đội thường nói: “Khi Pol Pot (Khmer đỏ) vào, dân báo thì mình thắng, còn khi nó vào, dân giấu là mình thua”. Và trong suốt 10 năm ấy, chúng ta luôn làm chủ tình hình trên mọi chiến trường - một phần quan trọng là nhờ tai mắt, sự ủng hộ của người dân Campuchia. Chính tình người đã gắn kết người dân Campuchia và bộ đội Việt Nam. Người dân Campuchia rất sẵn sàng giúp đỡ người dân Việt Nam, họ báo tin cho Coong Tóp (bộ đội) Việt Nam nếu có sự xuất hiện của Pol Pot… Đây là điều vô cùng hiếm trên thế giới và chỉ Việt Nam và Campuchia mới có điều đó.

Nuôi dưỡng người trẻ bằng tấm gương của 40 năm trước

Thưa ông, trong cuộc chiến này, dường như chúng ta cũng gặp một số khó khăn nhất định trong quan hệ với một số nước, bởi những cái nhìn chưa đúng, chưa đầy đủ?

Việc chúng ta gặp khó khăn là tất nhiên vì khi đó sự cọ sát quyền lực của các nước lớn đã đến đỉnh điểm. Từ đó nảy sinh ra những xung đột, đối đầu hoặc ngược lại- thỏa hiệp, cấu kết với nhau. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua vì chúng ta có chính nghĩa. Chúng ta buộc phải tiến hành cuộc chiến này để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng và cũng để không tái diễn cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai. Chúng ta tin vào quyết định của mình khi không còn tia hy vọng hòa bình nào nữa.

Ngay sau khi giải phóng Campuchia năm 1979, chúng ta đã giao lại chủ quyền, độc lập, tự chủ cho chính quyền và nhân dân Camphuchia. Điều đó thể hiện chân lý đúng đắn và tinh thần quốc tế vô sản cao cả của Việt Nam: cuộc cách mạng nào, cuộc kiến tạo nào cũng phải do người dân đất nước đó làm. Một chính thể nào cũng phải do người dân nơi đó tin tưởng thành lập và giao cho. Còn chúng ta dù mất rất nhiều xương máu và có mất thêm nữa thì chúng ta vẫn giúp vì đó là việc không thể không làm, chứ chúng ta không đòi hỏi bất cứ một điều gì từ phía Campuchia.

Tội ác của Khmer Đỏ là tàn bạo. Khi chúng ta nắm ngọn cờ chống diệt chủng thì chúng ta sẽ có chân lý. Và đến năm 2018, Tòa án Quốc tế đã tuyên Khmer Đỏ phạm tội diệt chủng đối với nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam, chống lại loài người và nhiều tội ác khác. Đó là câu trả lời đanh thép và rõ ràng nhất, dù muộn nhưng không ai có thể nói khác được.

40 năm đã trôi qua, nhưng từ cuộc chiến này, chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ nền hoàn bình và phát triển cho đất nước trong thời gian tới, thưa ông?

Một cuộc chiến tranh có thể dài hoặc ngắn. Nhưng để khắc phục hậu quả của nó là rất lâu dài và vô cùng khó khăn, bởi những hy sinh mất mát to lớn lắm. Vì thế, khi đã có độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ thì yêu cầu quan trọng nhất là phải giữ cho được hòa bình. Nhìn vào sự hy sinh mất mát của mỗi cuộc chiến trong quá khứ để thấy, nếu có hòa bình thì sẽ không có đau thương, hy sinh, mất mát.

Chúng ta đang sống trong thời bình và khi nhìn vào lớp thanh niên ngày nay thì câu hỏi luôn được đặt ra là “khi đất nước có biến, có chiến tranh thì những người thanh niên sẽ chọn lựa cách ứng xử như thế nào”? Phải làm sao để thế hệ trẻ ngày nay hiểu được những hy sinh, gian khổ, xương máu trong quá khứ của thế hệ những người đi trước đã đắp nên cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay. Phải nuôi dưỡng lòng yêu nước như hòn than trong trái tim khối óc mỗi người thanh niên Việt Nam. Khi đất nước có nguy thì hòn than đó sẽ bùng cháy thành ngọn lửa. Và tôi tin rằng, không ai trong chúng ta - những người Việt trẻ hay không còn trẻ nữa - lại không có hòn than yêu nước đó.

Gặp mặt kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Sáng 6/1, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979-7/1/2019). Tại buổi gặp, các đại biểu, cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện tham gia chiến đấu tại Campuchia đã ôn lại quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Campuchia với sự giúp đỡ của quân đội nhân dân Việt Nam đánh đổ chế độ diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp; dành phút tưởng niệm các đồng chí, đồng bào đã chiến đấu, hi sinh trong cuộc chiến. Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia anh em, Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, đập tan các hành động xâm lược, cùng với nhân dân Campuchia và sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7/1/1979. Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Prak Nguôn Hông nhấn mạnh, chiến thắng ngày 7/1/1979 chính là sự hồi sinh lần thứ hai cho nhân dân Campuchia, đem lại niềm tin vào tương lai dân tộc; là sự kiện có thật trong lịch sử, không thể bị bóp méo và hủy hoại; góp phần thay đổi đất nước Campuchia từ chiến tranh, đau khổ trở thành một đất nước hòa bình, phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực.

MỚI - NÓNG