Bỏ điểm sàn: Tiêu chí mới phải mang tính tổng hợp

Thí sinh dự thi ĐH - CĐ 2013 tại Hà Nội. Ảnh: như ý
Thí sinh dự thi ĐH - CĐ 2013 tại Hà Nội. Ảnh: như ý
TP - Chủ trương mới của ngành GD&ĐT cho phép 1-2 đợt tuyển sinh trong năm, bỏ điểm sàn và thay vào đó là những tiêu chí mới “đảm bảo chất lượng đầu vào” thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà tuyển sinh.

1 hay 2 đợt tuyển sinh?

Trong lúc ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng Phòng đào tạo Đại học khoa học (ĐHKH) Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội nói: “Khâu khó khăn nhất là làm đề thi, thời hạn ba chung vẫn còn, Bộ làm giúp tội gì không thi chung”, thì ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng ĐH Bách khoa Hà Nội lại cho biết, dù Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh 2 lần trong năm, ĐH Bách khoa cũng chỉ tuyển 1 lần để nhà trường có thể chủ động trong kế hoạch đào tạo.

Ngược lại, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, rất hào hứng với việc tuyển sinh 2 lần trong năm. Theo ông, tuyển 2 lần trong năm phù hợp với hình thức đào tạo tín chỉ hiện nay. 

Nếu có thể gọi làm nhiều đợt, nhà trường sẽ không bị áp lực về số lượng người học ngay từ đầu, có thể rải thời khóa biểu học sinh ra hơn để vừa không áp lực về phòng học vừa không áp lực về đội ngũ giảng viên giỏi. Lứa này học xong thì lứa sau vào học là tốt và thuận lợi, ông Vui nói, và ĐH Thái Nguyên tuyển vào tháng 7 và sau đó 4 tháng tuyển tiếp đợt 2.

Chưa thể tin tưởng kết quả phổ thông!

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bình luận: Việc bỏ điểm sàn là nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh có điểm cao nhưng không đỗ vào trường nguyện vọng 1 và lấp đầy chỗ trống của các trường ĐH khi vẫn còn chỉ tiêu. Tạo điều kiện để các trường tự chủ tuyển sinh như thế cũng tốt nhưng sự tự chủ nào cũng phải có ngưỡng là đảm bảo kiến thức tối thiểu để thí sinh có năng lực học ĐH. 

Và điều này cần thiết để Bộ GD&ĐT gợi ý tiêu chí là thế nào. Ông Hóa cho biết, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngay tức thì đã phản ứng với chủ trương mới này bằng một phương án mềm. Theo đó, trường này, dù là trường ngoài công lập, sẽ vẫn lấy các thí sinh bằng điểm sàn năm trước là một chuẩn, 13 điểm chẳng hạn; nếu thí sinh không đạt 13 điểm thì tùy theo các ngành mà có sự lựa chọn.

Ví dụ, nếu là khối A, trường này sẽ coi trọng điểm Toán và Vật lý; khối A1 là Toán, Văn để từ đó có thể lấy đến thí sinh trên dưới 10 điểm cho 2 môn quan trọng đó mà môn thứ ba không bị điểm liệt nào thì vẫn được gọi học. Theo ông Hóa, tất nhiên, phải nhận được sự đồng thuận từ phía Bộ GD&ĐT, nếu không sẽ phải tìm phương án khác nhưng vẫn phải có ngưỡng.

Về giả thiết, sẽ lấy điểm học bạ THPT làm một tiêu chí, ông Hóa nêu, sẽ thực sự là một khó khăn vì mỗi trường có hàng mấy chục nghìn thí sinh, không thể kiểm soát hết được. Ông Hóa nhớ lại thời kỳ đã từng xét vào ĐH bằng học bạ, chỉ có 40% thí sinh là thực sự đạt điểm trung bình trở lên; còn 60% thí sinh có sức học yếu nhờ được “cấy” điểm vào học bạ. 

Theo ông Hóa, học bạ hoặc kết quả thi tốt nghiệp là một căn cứ cần thiết chưa phải là thứ làm cho người ta có thể tin tưởng hoàn toàn. Ông Hóa nhấn mạnh: Cái cần thiết phải là thi tuyển; nếu không còn thi ba chung, trường chúng tôi sẽ tự tổ chức thi để tuyển sinh!

Nói về điều này, ông Hoàng Minh Sơn còn cho rằng, mặt bằng điểm phổ thông khác nhau ở các địa phương khác nhau. ĐH Bách khoa chỉ lấy đó làm điều kiện sơ tuyển.

Tiêu chí phải mang tính tổng hợp

Đó là ý kiến của ông Đặng Kim Vui. Theo ông Vui, chỉ có 1-2 tiêu chí không đảm bảo chất lượng. Trước hết, ông Vui nói, phải có căn cứ điểm thi của một kỳ thi, căn cứ vào yêu cầu của ngành đào tạo đặc thù để các trường đặt ra yêu cầu riêng cho từng ngành. Ví dụ, ngành y đòi hỏi kiến thức Sinh học và Hóa học là quan trọng thì trọng số điểm 2 môn này phải cao hơn, điểm Toán ít đi …

Trong tình hình có những học bạ không đúng sự thực khách quan như hiện nay, phải có một kỳ thi đánh giá thực lực năng lực học sinh để làm căn cứ chọn. Thi bao nhiêu bài thi kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội; kỹ thuật như thế nào là bài toán khó trước đòi hỏi phải có bộ đề chuẩn, khách quan để các trường tự chủ phương án tuyển. Nếu để các trường tự tổ chức thi tuyển sinh riêng thì sẽ nảy sinh hiện tượng: mỗi người làm một kiểu, khó kiểm soát và là lỗ hổng làm nảy sinh tiêu cực.

Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên

MỚI - NÓNG