Rồi Tiên thông thốc kể: Nhà em ở một xã vùng ven của thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Người cha quanh năm dãi nắng dầm sương để nuôi bốn đứa con được học hành. Mẹ em bị mù bẩm sinh nên chỉ làm những việc vặt trong nhà. Bao nhiêu nặng nhọc đều dồn lên vai ba em. Nhà nghèo nhưng mấy anh em đứa nào cũng học hết lớp 12, rồi tứ xứ làm ăn.
Hai người ở Sài Gòn, một ở Bình Dương, một Đồng Nai. Em là út nên anh chị cưng lắm. 19 tuổi, khi đang đi làm ở Bình Dương thì em quen người ấy, một thanh niên hơn em 10 tuổi, cũng làm công nhân thôi nhưng ăn nói rất ngọt ngào và "cực hotboy" vì quần áo, đầu tóc, xe máy, điện thoại… thay đổi xoành xoạch. Anh chị của em biết, bảo không được vì “đàn ông con trai như vậy là không chín chắn, không thể nuôi được vợ con”. Nhưng tuổi trẻ mà chị, em muốn chứng tỏ cho anh chị mình biết là cách nhìn của họ không đúng, nên tụi em “vượt rào”.
Đám cưới diễn ra khi em mười chín tuổi rưỡi. Hai mươi tuổi em làm mẹ. Thời gian đầu nói chung khá hạnh phúc vì sinh con xong, lãnh tiền hậu sản, thêm chút tiền anh chị của em cho, nhà chồng lại cho miếng đất đủ cất cái nhà nhỏ nhỏ.
Nhưng từ năm 2011, sau khi em sinh đứa con thứ hai thì chồng không đi làm công nhân nữa mà đi học lái xe tải. Bao nhiêu tiền hốt hụi, mượn anh chị của em, chồng dồn vào việc sắm dàn nhạc cho thuê. Vừa làm tài xế, vừa làm ông chủ dàn nhạc nên tiền bạc cũng khá đủ. Những tưởng khi cuộc sống dư dả thì hạnh phúc gia đình càng tăng, nhưng không phải vậy.
Chồng em bắt đầu quen người phụ nữ khác. Người này hơn anh gần chục tuổi, ly hôn và nuôi ba đứa con. Anh say mê “gái già” đến nỗi không còn lo cho mẹ con em nữa; rồi ra mặt hắt hủi vợ nhà, chê em không “kinh nghiệm” bằng người ta, chê em nấu ăn dở, chê không biết “nhìn mặt đoán ý” chồng. Anh lạnh nhạt và hắt hủi khiến em bị trầm cảm phải đi bệnh viện tâm thần.
Đau nhất là anh không hề lo gì cho bệnh trạng của em, tất cả đều do anh chị em lo. Khi lành bệnh, em vẫn trở về sống chung để cùng chăm lo con nhỏ thì mới biết chiếc xe Wave RS mà các anh chị cho em làm “chân đi” đã bị chồng bán để… mua máy tập thể dục cho bồ! Em làm ầm ĩ, mời các anh chị mình tới thì chồng em xuống nước năn nỉ, xin lỗi, hứa sẽ mua lại xe cho vợ.
Nhưng đó là hứa trước mặt anh chị của em thôi. Khi mọi người ra về thì chồng… “dần” em một trận đến lác mặt, tét sống mũi, một con mắt đỏ như cục máu vì tội “dám lẻo mép”. Cứu được con mắt, không mang thẹo ở mặt nhưng sống mũi thì vẫn còn “dấu ấn của quỷ” vì cái tuốc-nơ-vích anh ta chọi em khá to.
Sau lần này, em tính chuyện ly hôn. À… mà em chưa kể cho chị nghe vụ bồ ảnh thuê “giang hồ” đánh ghen em nữa. Một hôm có số máy lạ gọi “cháy máy” em. Nghe máy thì người đó xưng “Tao là bồ nhí của chồng mày nè! Mày không biết giữ chồng thì để tao giữ cho. Còn mày muốn chứng tỏ mình là vợ thực sự thì chiều nay ra ca, đến khu bờ đê Ba Sọ gặp tao”. Ra ca, em giắt cây dao Thái mới mua tính về làm bếp ra bờ đê, ấn luôn ba nhát lên mặt mình đủ rướm máu. Em nói: nếu mày có thể làm tao chết thì thôi. Tao mà sống, cái mặt mày sẽ như mặt tao vậy đó! Ghen quá rồi điên phải không chị? Vậy mà nó ớn, từ đó hết lên mặt với em.
Nhưng, từ tháng 11/2014, mâu thuẫn gia đình càng nhiều, không những chồng chửi mắng, đánh đập em, mà mẹ chồng (ở riêng nhà) cũng hay sang nhà mắng chửi em bằng những lời lẽ chợ búa. Chồng đi làm không đưa tiền cho em đã đành, mà mẹ chồng và chồng còn chửi em là “đồ đàn bà mất dạy! Đi làm mà không đưa tiền cho chồng thì để nuôi trai à?”.
Chị thấy ngược đời không? Chồng nắm trong tay của cải, tiền bạc mà hàng tháng không đưa tiền cho vợ, lại buộc vợ đi làm công nhân phải đưa tiền lại. Lương hàng tháng của em chỉ hơn ba triệu đồng, nhưng phải nuôi hai con và cơm nước cho chồng, cho bản thân thì làm gì dư tiền để đưa?
Từ giáp Tết đến nay mâu thuẫn thêm trầm trọng, mẹ con anh ta đã đuổi em ra khỏi nhà vì tội “dám cãi chồng” và giữ luôn đứa con năm tuổi không cho nó đến lớp. Em gọi điện hỏi tại sao thì anh ta bảo “Đ. M. mày! Tao cho nó nghỉ học luôn, dốt luôn đó! Có con mẹ mất nết như mày thì học nên ông nên bà gì mà đi”.
Em buồn quá. Em không muốn ở với con người bạc tình bạc nghĩa đó nữa. Nhưng làm sao để “bắt” lại con em? Em đã lỡ “thề” là sẽ chết bất đắc kỳ tử nếu “nó” không đi rước mà em tự về, nên bây giờ cũng không biết tính sao”.
Thì vì con, em cứ mạnh dạn bước qua lời thề đi! Chắc ông trời cũng không chấp nhứt chi đâu! Tôi khuyên.
Em cười, sao chị nói đúng ý em quá. Nay mai em sẽ về thôi, chồng tệ bạc nhưng người mẹ nào cũng thương con hết chị hén? Chỉ là… sợ mắc lời thề.