Bộ Công thương lí giải việc tiền điện tăng vọt bất thường

Tiền điện phập phù còn có nguyên nhân từ công nhân ghi công tơ sợ người... nghiện. Ảnh: Như Ý
Tiền điện phập phù còn có nguyên nhân từ công nhân ghi công tơ sợ người... nghiện. Ảnh: Như Ý
TP - Cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương (chiều 7/7), ngành điện nói về việc tăng, giảm tiền điện bất thường rất lạ. Theo đó, tiền điện tăng vọt trong tháng qua “không có sai sót về chỉ số công tơ và cách tính tiền điện”. Tuy nhiên, trường hợp tiền điện hàng trăm hộ dân tại Sóc Sơn (Hà Nội) giảm đột ngột do công nhân ghi công-tơ sợ...người nghiện. Trước hiện tượng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần một đơn vị độc lập ghi số điện

Khách quan, minh bạch

Giải thích về việc thay đổi biểu giá điện từ ngày 1/6, tính 7 bậc xuống 6 bậc có liên quan đến việc tăng tiền điện của dân trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Thay đổi trên không làm tăng thêm tiền điện, mà giảm so trước đây, ngành điện phải bù lỗ.

Theo đó, tới đây, giá điện, xăng dầu phải điều chỉnh theo thị trường. Trong biểu giá điện mới, những hộ nghèo sẽ được hỗ trợ không mất tiền 30 số đầu tiên. “Chúng ta có 2,1 triệu hộ nghèo, tính trung bình mỗi hộ chỉ sử dụng 27 số/tháng. Trong khi nhà nước hỗ trợ hộ nghèo 30 số không mất tiền. Hơn nữa, hiện việc kéo điện lưới ra ngoài đảo rất tốn kém, nhưng vẫn tính giá như trong đất liền”- ông Hải nói.

Ông Hải cho biết, trong số các hộ khiếu nại về giá điện vừa rồi, tới 72% dùng trên 400 số; 28% dùng 100 đến dưới 400 số điện; không có trường hợp nào dùng dưới 100 số khiếu nại. Ông Hải cũng yêu cầu EVN Hà Nội kiểm tra, rà soát lại vấn đề hóa đơn tiền điện trên.

Trước câu hỏi “Cần có cơ quan độc lập trong việc ghi số điện không?”, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Điều tiết Điện lực cho biết, lâu nay việc kiểm tra giám sát, giao cho phòng chuyên môn của các Sở Công Thương. Do lực lượng ít, nên việc kiểm soát rất khó. Tuy nhiên, các sở Công Thương vẫn có những đợt kiểm tra, khi phát hiện vẫn xử lý các sai phạm. “Chúng tôi cũng yêu cầu các công ty điện lực công bố ngày ghi chỉ số công-tơ để người dân giám sát”- ông Phúc nói.

Liên quan vấn đề công-tơ đặt quá cao, người dân khó giám sát, ông Hải nói: “Tôi tin vào các nhân viên ngành điện”. Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, những thắc mắc, khiếu nại với khách hàng sử dụng điện, đều phải dựa trên hợp đồng đã ký để quy trách nhiệm. Theo lãnh đạo EVN Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 1.200 nhân viên đi ghi chỉ số điện.

Đình chỉ công nhân ghi công-tơ áng chừng

Liên quan đến trường hợp 200/300 công-tơ ở Sóc Sơn (Hà Nội) bỗng nhiên tiền điện giảm đáng ngờ, ông Hải nói: Khu vực trên có nhiều đối tượng nghiện, hai công nhân ghi số điện sợ, nên đã tự ý ghi áng chừng. Hiện, những công nhân trên đã bị EVN Hà Nội cho tạm thôi việc.

Trước việc hóa đơn tiền điện trong tháng 6 nhiều hộ tăng vọt, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội cho biết: “Đã cho kiểm tra các trường hợp khiếu nại, không có sai sót về chỉ số công-tơ và cách tính tiền điện”.

Theo ông này, khu vực Hà Nội có nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 6, nên nhu cầu làm mát tăng cao cả ngày lẫn đêm. Có những khu vực sản lượng điện sinh hoạt tiêu dùng của tháng 6/2014 tăng 40-60% so với tháng trước, như Hoàng Mai tăng 57%, Đống Đa tăng 55%.

EVN Hà Nội cũng cho rằng, cuối tháng 5, đầu tháng 6, do thời điểm học sinh nghỉ hè, nên thời gian sử dụng điều hòa các thiết bị làm mát trong gia đình tăng. Ngoài ra, theo EVN Hà Nội chu kỳ làm hóa đơn tiền điện (từ 5/5 đến 25/6) trúng vào dịp diễn ra 3 đợt nắng nóng cao điểm. Do vậy, hóa đơn tiền điện thời gian này “hội tụ các yếu tố đột biến làm sản lượng điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao”.

Đương nhiên cách lý giải trên của lãnh đạo EVN không được nhiều nhà báo dự họp đồng tình. Có thể, lãnh đạo ngành này quên rằng, năm nào, tầm này, thời tiết cũng nắng nóng và học sinh cũng đều nghỉ hè.

Theo EVN Hà Nội, trong tháng 6/2014, sản lượng điện tiêu thụ trung bình hằng ngày là 42,7 triệu kWh, tăng so với trung bình tiêu thụ trong ngày tháng 4/2014 là 34,7%, và tháng 5/2014 tăng 23,4%. Trong tháng 6, tổng số khách hàng sinh hoạt Hà Nội có sản lượng tăng 1,5 lần so với tháng 5/2014 là 686.336 khách hàng, chiếm 34% tổng số khách hàng sinh hoạt (hơn 2 triệu khách hàng).

MỚI - NÓNG