Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hiện nay, trên một số website, tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo hay Youtube) đang quảng cáo và bán nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng, hóa, mỹ phẩm mang thương hiệu Atomy, ví dụ như: atomyoffice.com; thongtinatomy.com, facebook.com/thongtinatomy hay facebook.com/AtomyVN2017… Nội dung quảng cáo của các website và tài khoản mạng xã hội trên đều đề cập đến việc Công ty Atomy là một công ty kinh doanh đa cấp từ Hàn Quốc đã có mặt tại một số quốc gia trên thế giới và hiện nayAtomy đang làm các thủ tục đăng ký để vào thị trường Việt Nam.
Nhiều cá nhân có thể đã mua hàng trực tiếp qua các kênh kể trên đồng thời được mời tham gia trở thành cộng tác viên hay đại lý bán sản phẩm Atomy để hưởng các mức hoa hồng theo doanh số của mạng lưới người tham gia cấp dưới, nhánh dưới.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định chưa nhận được bất cứ thông tin hay hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp của công ty nào có sản phẩm và thương hiệu mang tên Atomy.
“Hoạt động giới thiệu, tuyển dụng nhà phân phối và công tác viên tham gia bán sản phẩm Atomy nêu trên có nhiều dấu hiệu là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, các tổ chức, cá nhân tham gia mạng lưới bán hàng nêu trên có nguy cơ vi phạm pháp luật hình sự về hành vi kinh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký”, Cục cảnh báo.
Liên quan đến hoạt động của các daonh nghiệp kinh doanh đa cấp, theo Bộ Công Thương, tính đến hết quý 1/2018, số lượng doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã giảm xuống còn 33 doanh nghiệp, giảm 34 doanh nghiệp so với đầu năm 2016. Đã có tổng cộng 17 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Trong năm 2017 và trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã trực tiếp tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp qua đó đã tiến hành xử phạt 950 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm (30 triệu đồng); Công ty Cổ phần Everrichs (620 triệu đồng), Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group (300 triệu đồng).
Hiện Bộ Công Thương cũng đang tiến hành điều tra đối với một doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Tập đoàn Sản xuất Thương mại Quốc tế Greenlife và đang tiến hành thanh tra 2 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp khác là Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam và Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân.
Các số liệu thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2017 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng hơn 330 tỷ đồng so với doanh thu năm 2016. Doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất là Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam với hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 25,62%. 3 doanh nghiệp khác có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng là Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân, Công ty TNHH AMWAY Việt Nam và Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam. Các doanh nghiệp còn lại đều có doanh thu dưới 500 tỷ đồng.
Tổng doanh thu của 10 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất trong năm 2017 chiếm tới 94,3% tổng doanh thu toàn ngành.
Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (71%), và mỹ phẩm (23%). Doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm khoảng 6%.