Điều tra hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Bộ Công Thương cho biết, đang điều tra đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Sản xuất Thương mại Quốc tế Greenlife (đa cấp Greenlife) và tiến hành thanh tra 2 doanh nghiệp bán hàng đa cấp khác là Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam và Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân. 

Bộ Công Thương vừa có báo cáo cập nhật về tình hình hoạt động của các công ty kinh doanh đa cấp tại Việt Nam sau khi hoạt động bán hàng đa cấp gây ra nhiều hệ lụy trong các năm 2016-2017.

Theo Bộ Công Thương, sau một thời gian các cơ quan quản lý mạnh tay với bán hàng đa cấp, huy động vốn, lừa đảo, đến nay, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn lại 33 doanh nghiệp, giảm 34 doanh nghiệp so với đầu năm 2016. Trong đó có 17 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 16 doanh nghiệp chủ động chấm dứt, 1 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

Trong năm 2017, Bộ Công Thương đã trực tiếp thanh tra, kiểm tra 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Qua đó đã xử phạt 950 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm 30 triệu đồng; Công ty Cổ phần Everrichs 620 triệu đồng), Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group 300 triệu đồng).

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đang tiến hành điều tra đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Sản xuất Thương mại Quốc tế Greenlife và đang tiến hành thanh tra 2 doanh nghiệp bán hàng đa cấp khác là Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam và Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Sản xuất Thương mại Quốc tế Greenlife, còn gọi là đa cấp Greenlife năm 2017 gây chú ý của dư luận khi dùng chiêu dụ dỗ các sinh viên trở thành nhà phân phối với việc dẫn các sinh viên đến điểm cầm cố giấy tờ, vay nặng lãi, đổ vào hệ thống đa cấp của công ty.

Các nhân viên của đa cấp Greenlife còn dùng chiêu hứa hẹn các sinh viên có thể kiếm 50 triệu đồng/tháng khi trở thành nhà phân phối của công ty. Điều kiện để trở thành nhà phân phối là mỗi người phải mua ít nhất 1 mã sản phẩm với giá 9,6 triệu đồng. Nếu giới thiệu được thêm người mới thì sẽ được hưởng tiền hoa hồng của người ấy. Càng giới thiệu được nhiều người, số tiền hoa hồng có thể lên tới hàng trăm triệu.

Với trường hợp sinh viên lại không có tiền để mua sản phẩm, nhân viên tư vấn  sẽ đưa sinh viên đến các điểm cầm cố giấy tờ với mức lãi vay 1 triệu đồng/ngày là 2.500 đồng, tương đương với lãi suất 91%/năm.

Một số công ty đa cấp cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt thời gian qua như: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy; Công ty TNHH Herbalife Việt Nam; Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế; Công ty TNHH World Việt Nam; Công ty Người lái xe mặt trời; Công ty TNHH Visi Việt Nam.

Việc Nghị định số 40/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, thay thế Nghị định số 42 được ban hành ngày 12/3/2018 đã góp phần là công cụ pháp lý quan trọng giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Đặc biệt, cùng với các quy định quản lý hành chính, quy định về xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng nội dung giấy chứng nhận tại Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 cũng giúp xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, giúp ổn định thị trường hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG