Bộ Công Thương bóc mẽ đủ chiêu lừa đảo trên sàn thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hình thức lừa đảo bán hàng xuất hiện trong thời kỳ dịch bệnh
Nhiều hình thức lừa đảo bán hàng xuất hiện trong thời kỳ dịch bệnh
TPO - Theo Bộ Công Thương, cùng với sự bùng phát của dịch COVID-19, tình trạng lừa đảo người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử diễn ra thường xuyên hơn với đủ chiêu trò.

Báo cáo thường niên của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) công bố mới đây cho thấy, các hình thức lừa đảo người tiêu dùng ngày càng tăng mạnh đi kèm với sự phát triển của các hình thức kinh doanh trực tuyến. Các hình thức lừa đảo cũng xuất hiện nhiều hơn trong thời gian dịch bệnh bùng phát, dãn cách xã hội tại nhiều địa phương.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các hành vi bị tố cáo nhiều nhất thời gian là: Thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng. Điển hình như việc người tiêu dùng đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng đơn hàng bị hủy không rõ lý do. Tiếp sau đó, có bên thứ ba liên hệ để giao món hàng mà người tiêu dùng đã đặt mua trên sàn. Khi giao dịch, người tiêu dùng mới phát hiện món hàng có vấn đề về chất lượng, nguồn gốc, giấy tờ giao dịch. Tuy nhiên, khi liên hệ sàn thương mại điện tử để phản ánh thì không được giải quyết vì giao dịch không được thực hiện qua sàn.

Như trường hợp của anh N.H.T.A đang sống tại TPHCM đặt mua 1 đôi giày trên gian hàng của một sàn với giá 689.000 đồng vào tháng 6/2021. Khi đơn hàng đã đặt chưa được giao cho anh, có 1 đơn vị khác lợi dụng thông tin cá nhân để giao cho anh đơn hàng với đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị. Anh N.H.T.A tin tưởng đây là đơn hàng đã đặt nên thanh toán tiền. Khi bóc kiện hàng, anh N.H.T.A phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng và liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý. Khi liên hệ với gian hàng thì anh bị chặn số. Phản ánh với sàn thương mại điện tử thì anh thấy đơn hàng đã bị hủy.

Trường hợp khác là người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo trong các chương trình khuyến mãi hoặc bị bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khi khiếu nại thì người tiêu dùng bị từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại…

Trước xu hướng lừa đảo thường xuyên, hàng ngày trên môi trường Internet, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần kiểm tra tính chính xác, mức độ tuân thủ pháp luật của website thương mại điện tử. Người tiêu dùng cũng cần lưu ý việc có một số website chỉ đặt biểu tượng nhưng thực tế chưa hoàn thiện thủ tục tại Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, cần lựa chọn người bán uy tín để giao dịch. Nếu giao dịch trên website bán hàng của một công ty thương mại; tài khoản zalo, facebook của một cá nhân thì cần kiểm tra thông tin trên Google, hỏi qua bạn bè xem lịch sử giao dịch của website có thông tin gì cần lưu ý hay không.

Hiện một số sàn cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp hàng hóa trên sàn với quy định giao dịch không có hóa đơn bán hàng kèm theo, thời gian giao hàng lâu, không có chế độ bảo hành…Vì vậy, người tiêu dùng cũng cần cân nhắc, kiểm tra kỹ thông tin, người bán trước khi giao dịch. Ngoài ra, không nên hoàn toàn tin tưởng vào các bình luận về gian hàng vì hiện nay có một số cách thức kỹ thuật có thể can thiệp vào số lượng và nội dung của các bình luận, nhận xét, đánh giá đối với sản phẩm, người bán trên các website thương mại điện tử.

Người tiêu dùng cần chủ động gửi phản hồi đánh giá về chất lượng giao dịch. Các thông tin này rất có giá trị để những người mua khác có căn cứ tham khảo, đồng thời, giúp lan tỏa tinh thần vì cộng đồng trong môi trường mua bán trực tuyến.

Trường hợp nhận thấy quyền lợi của mình bị vi phạm, nên chia sẻ thông tin vụ việc để người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết và chủ động phòng tránh hoặc phản ánh, khiếu nại tới cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi ngưởi tiêu dùng để được tư vấn, hướng dẫn cách thức bảo vệ quyền lợi.

MỚI - NÓNG
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
TPO - "Sau khi nghe tiếng nổ, chạy ra và thấy người lái xe bị mắc kẹt trong ca bin ô tô gặp nạn đang giơ tay lên như kêu cứu, tôi liền hô hào người dân xung quanh đến cậy cửa giải cứu tái xế,... rất may nạn nhân còn sống”, chị Hà Thị Chiên – nhân chứng vụ tai nạn kể lại.