Bỏ chốn đô hội lên núi trồng Atiso kiếm tiền tỷ

Anh Thành thu hoạch vườn atiso của mình
Anh Thành thu hoạch vườn atiso của mình
Là một người con của đất Sài thành, rời bỏ thành phố lên vùng rừng núi của Lâm Đồng gắn bó với loại cây dược liệu Atiso. Đến nay, anh Nguyễn Trung Thành (45 tuổi, trú tại xã Lát, huyện Lạc Dương) đã có một vườn Atiso cho thu nhập lên đến hàng tỷ đồng.

Cũng như nhiều người khác khi đến lập nghiệp ở mảnh đất Nam Tây Nguyên, anh Nguyễn Trung Thành đã chọn nông nghiệp để phát triển. Lúc đầu, khi mới lên miền đất mới, anh chọn một số giống hoa của Đà Lạt như hoa ly, cẩm chướng… để canh tác, nhưng do thiếu kinh nghiệm, thiếu sự liên kết để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nên không hiệu quả.

Sau nhiều lần thất bại, anh Thành đã đi nhiều nơi trong vùng cố gắng tìm tòi, học hỏi và anh nhận thấy tiềm năng của cây Atiso, từ đó anh đã bén duyên với loại cây này.

Theo anh Thành, Đà Lạt là một thành phố du lịch và du khách khi đến đây, lúc ra về muốn mang một chút đặc sản về nhà làm quà. Atisô là một trong những loài cây đặc trưng của thành phố ngàn hoa và sản phẩm của nó luôn được du khách lựa chọn để làm quà tặng người thân, bạn bè.

Thực tế, cũng không có nhiều loài cây nào mà toàn bộ cây từ rễ, gốc, thân cho đến lá, bông đều được sử dụng như cây Atisô. Khoa học đã chứng minh Atisô là cây dược liệu, có nhiều tác dụng rất tốt cho sức khỏe.

Nhận thấy được tiềm năng phát triển lớn của cây Atiso, anh Thành đã mày mò, học hỏi đưa loài cây về trồng thử nghiệm ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Tuy nhiên, cây Atiso lâu nay vẫn thường được canh tác chủ yếu ở TP Đà Lạt, giờ để phát triển cây dưới chân núi LangBiang cằn cỗi là cả một vấn đề.

Thế nhưng anh Thành vẫn không nản lòng, lại ngược xuôi đi tì hiểu kỹ thuật chăm sóc cây. Nhờ chịu khó, cần cù nắm bắt nhanh những kỹ thuật trồng cây, anh đã thành công với cây dược liệu Atiso trên mảnh đất mới này. Đến nay, anh Thành đã có 3 ha cây Atiso phát triển xanh tốt và đang cho thu hoạch.

"Atiso là một loại cây không quá khó trồng và chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn so với một số loại cây trồng khác. Loại cây này có thể trồng ngoài trời, chăm sóc đúng quy trình thì cây sẽ phát triển tốt, cho sản lượng cao”, anh Thành cho biết.

Một ưu thế nữa của cây Atiso là thu hoạch được 100% từ rễ, thân, lá, hoa, không để lại một sản phẩm thừa nào. Vấn đề để cây Atiso phát triển bền vững là đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, anh Nguyễn Trung Thành đã tìm hướng đi mới bằng cách liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, đầu ra cho mình.

“Bình quân 1 ha có 20.000 cây, mỗi cây thu khoảng hơn 1 kg bông tươi, 15 – 17 kg lá, khoảng từ 0,5- 2 kg thân, rễ khô, giá thấp nhất cũng được 100.000 đồng/cây, tính sơ sơ 1 ha đã có thể cho thu nhập tiền tỷ”, anh Thành vui vẻ cho biết.

Để tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng hiệu quả nguồn cây giống, anh Thành cũng đã tự mua mô giống về để sản xuất cây con. Không chỉ sản xuất giống để đáp ứng diện tích vườn của gia đình mà anh còn cung cấp cho nhiều trang trại khác. Ngoài ra, Anh Thành còn tận tình chia sẻ và hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc cây cho nhiều hộ lân cận để phát triển.

Hiện tại, bình quân vườn Atiso với hơn 3ha đang mang về cho gia đình anh Thành thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động thường xuyên và lao động thời vụ tại địa phương.

Ông Trần Phi - cán bộ khuyến nông xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết: “ Dù không phải là người địa phương gốc, nhưng Nguyễn Trung Thành đã nắm vững kỹ thuật canh tác cây trồng rất tốt. Mô hình trồng Atiso của anh Thành được đầu tư rất kỹ lưỡng và có hiệu quả”.

“Không những vậy, anh Thành đã biết liên kết trong sản xuất để tạo đầu ra ổn định. Cách làm của anh ấy cũng sẽ giúp cho người dân địa phương có điều kiện học hỏi và tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất”.

Được biết, không chỉ dừng lại ở cây Atiso mà hiện tại anh Nguyễn Trung Thành đang nghiên cứu trồng thử nghiệm những loại cây quý như: sâm đất, wasabi và một số cây dược liệu khác.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG