Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước, từ nay đến năm 2025, địa phương này sẽ nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 7 đô thị mới đối với các xã: Đức Liễu (huyện Bù Đăng); Bù Nho (huyện Phú Riềng); Đồng Nơ (huyện Hớn Quản); Tân Lập và Tân Hòa (huyện Đồng Phú); Lộc Hiệp (huyện Lộc Ninh); Thiện Hưng (huyện Bù Đốp).
Trong giai đoạn từ năm 2026-2030, Bình Phước đầu tư phát triển các đô thị: thành phố Đồng Xoài hướng đến là đô thị loại II; thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, thị xã Chơn Thành hướng đến là đô thị loại III.
Nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 4 đô thị mới đối với các xã: Tân Tiến (huyện Đồng Phú); Lộc Thái (huyện Lộc Ninh); Thanh An, Tân Hưng (huyện Hớn Quản).
Hệ thống đô thị tại Bình Phước đến năm 2030 |
Bình Phước xây dựng kế hoạch đầu tư để hình thành 1 khu đô thị mới tại vùng đô thị phía Nam: Khu đô thị mới khu vực cầu Nha Bích và hồ Phước Hòa để liên kết đô thị động lực vùng phía Nam Đồng Xoài – Chơn Thành. Không gian phát triển đô thị là hành lang Sông Bé, hồ Phước Hòa, hệ thống bậc thang hồ Suối Cam và trục QL14.
Đồng thời, huyện Đồng Phú có vị trí tiếp giáp tỉnh Bình Dương, có diện tích lớn công nghiệp đã được quy hoạch ở phía Nam, có các giao thông kết nối mở ra tiềm năng mới (đường cao tốc Bắc Nam phía Tây CT02, kết nối đường Đồng Phú – Bình Dương với Quốc lộ 14 và tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng…), cũng sẽ tham gia mạnh mẽ vào quá trình đô thị hóa của vùng tam giác phát triển.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, sự phát triển lan tỏa từ thị xã Chơn Thành, thành phố Đồng Xoài sang phía Đông và từ Bình Dương lên phía Bắc sẽ giúp phía Tây, phía Nam và trung tâm Đồng Phú gia tăng vai trò trong vùng đô thị lớn của tỉnh này.
Ngoài vùng đô thị lớn phía Nam, tiếp tục phát triển mạng lưới đô thị toàn tỉnh với hai hạt nhân ở phía Tây và phía Đông Bắc là thị xã Bình Long và thị xã Phước Long, Bình Phước sẽ bổ sung đô thị hình thành mới tại vị trí tiềm năng; không thành lập đô thị mới tại vị trí đã có phát triển đô thị lan tỏa, thay vào đó, mở rộng ranh giới của 2 đô thị liền kề để đảm bảo cung cấp hạ tầng và tiện ích; bố trí đất dự trữ để chuẩn bị cho các kịch bản phát triển khác nhau.
Để thực hiện mục tiêu này, Bình Phước đề ra ba nhóm giải pháp gồm: Giải pháp về đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật nông thôn; giải pháp về lợi ích cộng đồng, môi trường và huy động vốn đầu tư.