Để đảm bảo tiến độ công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các quy hoạch (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050).
Trong đó, Bộ KH&ĐT đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch ngành quốc gia đã tổ chức thẩm định, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 11/2022.
Với các quy hoạch ngành quốc gia mà các bộ đã đề xuất, cam kết hoàn thành vào cuối năm 2022, cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện thủ tục để trình hội đồng thẩm định vào tháng 11/2022 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào chậm nhất tháng 12/2022.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đầu tiên có quy hoạch được duyệt theo Luật Quy hoạch |
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ KH&ĐT đề nghị địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác lập quy hoạch tỉnh; tăng cường sự phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định.
Đối với các quy hoạch tỉnh đã tổ chức thẩm định xong, cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 11/2022.
Các quy hoạch tỉnh mà địa phương đã đề xuất, cam kết hoàn thành vào cuối năm 2022, cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục để trình Hội đồng thẩm định vào tháng 11/2022 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chậm nhất vào tháng 12/2022.
Bộ KH&ĐT cho biết, có 4/38 quy hoạch ngành quốc gia đã phê duyệt, 15/38 quy hoạch ngành quốc gia lập xong, đang hoàn thiện để trình thẩm định ở cấp vùng. Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phê duyệt, 5 quy hoạch vùng còn lại đang triển khai lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập quy hoạch theo nhiệm vụ Thủ tướng phê duyệt.
Dù vậy, theo Bộ KH&ĐT, kết quả triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch nêu trên là chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ KH&ĐT cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do đây là nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp và nhiều nội dung quy định rất mới (cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch). Ngoài ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo các các cấp, các ngành chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt. Nhiều nơi, nhiều lúc công tác quy hoạch chưa quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về trình độ, năng lực nên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế. Việc hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sau khi được thẩm định còn nhiều khó khăn; các địa phương rất lúng túng khi điều chỉnh, bố trí không gian phát triển theo quy hoạch để phù hợp với chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất theo quyết định của Thủ tướng.