RT đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giải tán Hạ viện hồi tháng trước, dãn đến một cuộc bầu cử sơ bộ vào Chủ nhật (22/10) vừa qua. Nhờ liên minh giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác Komeito, ông Abe đạt mục tiêu chiếm đa số ghế (312) trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Sau chiến thắng, ông Abe khẳng định nhiệm vụ sắp tới là đề ra đường lối chính sách cứng rắn hơn, bao gồm cả vấn đề khủng hoảng Bán đảo Triều Tiên.
Dĩ nhiên, tuyên bố trên của Thủ tướng Nhật Bản gây ra khó chịu đối với chính quyền Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã lập tức phản ứng với chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Abe bằng một tuyên bố trên hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), trong đó cáo buộc, bước chuyển hướng mới của Tokyo là nỗ lực khôi phục chủ nghĩa đế quốc hồi đầu thế kỷ 20 của đất nước Mặt trời mọc.
“Phản ứng của Nhật Bản trong việc tìm cách liên kết bước đi của họ để giải tán Hạ viện với CHDCND Triều Tiên là nhằm thỏa mãn những tham vọng giữ vững quyền lực, và mở đường cho âm mưu tái chiếm Bán đảo Triều Tiên hòng thực hiện giấc mơ cũ về một ‘Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á’”, tuyên bố viết, đề cập đến tên mà Nhật Bản gọi các vùng đất bị chiếm đóng trong Thế chiến II.
KCNA cũng chỉ trích Nhật Bản vì cho phép Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ và tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, đồng thời cáo buộc Tokyo không bù đắp cho các tội ác trong quá khứ.
“Điều này được chứng minh bởi thực tế là Nhật Bản đã nghiên cứu kế hoạch hỗ trợ hậu cần cho quân đội Mỹ và đưa ‘những kẻ tị nạn vũ trang’ vào việc huy động ‘Lực lượng Phòng vệ’ (quân đội Nhật) trong trường hợp khẩn cấp ở Bán đảo Triều Tiên, trong khi lớn tiếng về vụ tấn công quân sự của Mỹ vào Triều Tiên”, theo tuyên bố.
Tuyên bố kết thúc bằng lời cảnh báo, Nhật Bản nên từ bỏ những ý định hiện tại với Triều Tiên, nếu không chính quyền Kim Jong-un có quyền đưa ra biện pháp phòng thủ khắc nghiệt, cụ thể là sức mạnh hạt nhân.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Triều Tiên bắt đầu từ nửa đầu thế kỷ 20, trong giai đoạn Bán đảo Triều Tiên bị phát xít Nhật xâm chiếm từ 1910-1945. Cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung được biết đến như một anh hùng chiến tranh dẫn dắt phong trào du kích chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản.
Đến nay, khủng hoảng Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thể chấm dứt do các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia thường xuyên chịu sự đe dọa.