Bầu cử Nhật Bản: Cơ hội và thách thức chờ ông Abe

Bầu cử Nhật Bản: Cơ hội và thách thức chờ ông Abe
TPO - Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn diễn ra ngày 22/10. Chiến thắng này sẽ mở ra cơ hội lớn cho ông Abe thực hiện một loạt các tham vọng về đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, ông cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

Bầu cử Nhật Bản: Cơ hội và thách thức chờ ông Abe ảnh 1 Ảnh: JapanTimes

Liên minh cầm quyền chiến thắng vang dội

Theo kết quả công bố chính thức, đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Abe giành được 283 ghế, vượt xa mục tiêu 233 ghế quá bán mà ông Abe đề ra trong chương trình tranh cử. Với nền tảng này, LDP có thể sẽ kiểm soát tất cả các ủy ban lập pháp tại Hạ viện.

Trong khi đó, đảng Công Minh trong liên minh cầm quyền được 29 ghế.

Như vậy, liên minh cầm quyền giành được tổng cộng 312 ghế/465 ghế tại Hạ viện, vượt mức đa số 2/3 cần thiết để có thể dễ dàng thông qua các quyết sách của chính phủ. 

Đảng Dân chủ lập hiến (CDP), được thành lập ngoài kế hoạch từ các đảng viên đảng Dân chủ không tham gia đảng Hy vọng của Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike , bất ngờ vượt qua đảng Hy vọng, vươn lên là đảng lớn thứ 2 tại Hạ viện và là đảng đối lập lớn nhất với 54 ghế.

 Đảng Hy vọng của bà Koike, sau những ngày đầu tràn đầy lạc quan về khả năng trở thành đảng dẫn đầu phe đối lập tại Hạ viện, chỉ được 49 ghế tại Hạ viện, chấp nhận vị trí là đảng thứ 3.

Đảng Cộng sản giành được 12 ghế, đảng Phục hưng được 10 ghế và đảng Xã dân được 1 ghế.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, thời tiết xấu trong ngày diễn ra bầu cử và những bất đồng sâu sắc của lực lượng đối lập khiến cho lượng cử tri đi bầu thấp là những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng tới kết quả bầu cử.

Rộng đường thực hiện các mục tiêu

Việc Liên minh cầm quyền giành chiến thắng vang dội sẽ giúp Thủ tướng Abe có thêm nhiều động lực và cơ hội thực hiện các mục tiêu đã đề ra bao gồm sửa đổi Hiến pháp, gia tăng lập trường vốn đã cứng rắn với Triều Tiên cũng như chấn hưng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. 

Chiến thắng lần này được đánh giá củng cố cơ hội của Thủ tướng Abe tiếp tục đứng đầu LDP trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng vào tháng 9/2018, mở đường cho kỷ lục là Thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Theo kế hoạch, ông Abe sẽ được chọn tiếp tục làm Thủ tướng trong phiên họp đặc biệt của Hạ viện, dự kiến diễn ra vào ngày 1/11. 

Trước đó, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Abe nêu rõ: "như tôi đã cam kết trước đó, nhiệm vụ sắp tới của tôi là kiên quyết đối phó với Triều Tiên. Do đó, cần phải có một nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ". Đề cập đến các vấn đề trong nước, Thủ tướng Nhật Bản đồng thời khẳng định kết quả bầu cử cho thấy cử tri ủng hộ các chính sách của ông và muốn ông tiếp tục vai trò lãnh đạo chính trị của mình.

Thủ tướng Abe cho biết sẽ làm sâu sắc hơn các cuộc tranh luận về các vấn đề còn chia rẽ trong Quốc hội, song nhấn mạnh sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ các đảng phái khác đối với những đề xuất cải cách. Thủ tướng Abe cũng bảo vệ kế hoạch của chính phủ về tăng thuế và tài chính hiện nay. 

Theo các chuyên gia phân tích, cùng với việc liên minh cầm quyền đang chiếm đa số tại Thượng viện, chiến thắng của LDP tại Hạ viện vừa qua đã chứng tỏ sự ủng hộ của đa số cử tri dành cho Thủ tướng Abe tiếp tục duy trì các chính sách đối nội và đối ngoại, trong đó đáng chú ý là chính sách kinh tế Abenomics, cải cách Hiến pháp và gia tăng sức ép trong vấn đề đối phó với Triều Tiên.    

Thách thức phía trước

Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù đã giành chiến thắng vang dội trước các đối thủ chính trị, tuy nhiên, Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về đối nội cũng như đối ngoại trong thời gian tới.

Giáo sư chính trị Yu Uchiyama của Đại học Tokyo nhận định: "Do đại đa số các đảng phái chính trị đều ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp nên dường như các bước sẽ được thực hiện để hướng tới điều đó". Tuy nhiên, Giáo sư Yu Uchiyama cũng đưa ra cảnh báo rằng vẫn có một "khoảng cách rất lớn" giữa các chính trị gia và cử tri trong vấn đề này. 

Theo nhà khoa học chính trị Mikitaka Masuyama tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia, sở dĩ Liên minh của Thủ tướng Nhật Bản dễ dàng giành chiến thắng là do phe đối lập không thể hình thành một mặt trận thống nhất. 

Ngay bản thân Thủ tướng Abe cũng khẳng định, không được tự thỏa mãn với chiến thắng bởi vẫn còn nhiều người hoài nghi về một số vụ bê bối vốn ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ của ông. Đặc biệt, việc chính thức sửa đổi Hiến pháp chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc và Hàn Quốc, vốn lo sợ về sự trở lại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Do đó, đây là vấn đề đối ngoại mà ông Abe phải đối mặt trong thời gian tới.

Mặt khác, ông Abe cũng phải đổi mặt với nhiều thách thức về kinh tế. Sau gần 5 năm, các nỗ lực phục hồi hệ thống tiền tệ của ông Abe chỉ đạt được các thành công khiêm tốn. Nhật Bản đã thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ và nới lỏng tài khóa nhưng có rất ít sự thay đổi đáng kể về cấu trúc. Đó là lý do tại sao mức tăng trưởng trong 11 năm qua không thể thúc đẩy tiền lương.

Ngoài ra, một trong các thành tựu lớn mà ông Abe tuyên bố đó là cải thiện môi trường làm việc cho các nữ lao động Nhật Bản. Tuy nhiên, mục tiêu khiến một nửa dân số “tỏa sáng” chỉ là sự phóng đại hơn là thực tế. Ví dụ như dưới thời ông Abe, chỉ số bình đẳng giới của Nhật Bản trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tụt từ mức 98 xuống mức 111. 

Rõ ràng Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Abe mặc dù giành thắng lợi vang dội, tuy nhiên cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về đối nội và đối ngoại trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG