Lính Ukraine vận hành hệ thống pháo phản lực phóng loạt ở tỉnh Donetsk. (Ảnh: AP) |
Là một chỉ huy tiểu đoàn, Dima phụ trách khoảng 800 binh lính chiến đấu trong những trận chiến thuộc hạng khốc liệt và đẫm máu nhất trong cuộc xung đột với Nga từ năm 2022, gần đây nhất là ở gần Pokrovsk - thị trấn chiến lược ở miền đông mà Nga dường như sắp giành được quyền kiểm soát.
Nhưng khi hầu hết quân lính dưới quyền của mình đã chết hoặc bị thương nặng, Dima thấy rằng như vậy là quá đủ. Ông nghỉ việc và nhận một vị trí khác trong quân đội, chuyển sang vị trí thuộc một văn phòng ở Kiev.
Đứng bên ngoài văn phòng và liên tục rít thuốc, Dima nói với CNN rằng ông không thể chịu đựng việc chứng kiến những người lính của mình chết thêm nữa.
Hai năm rưỡi chiến sự đã tàn phá nhiều đơn vị Ukraine. Lực lượng tiếp viện rất ít, khiến nhiều binh lính kiệt sức và mất tinh thần. Tình hình đặc biệt tồi tệ với các đơn vị bộ binh gần Pokrovsk và những nơi khác thuộc tiền tuyến miền đông, nơi Ukraine đang chật vật ngăn cản bước tiến của Nga.
CNN cho biết đã nói chuyện với 6 chỉ huy và sĩ quan đang hoặc cho đến gần đây đã chiến đấu hoặc giám sát các đơn vị trong khu vực. Cả 6 người đều cho biết tình trạng đào ngũ và bất tuân lệnh đang trở thành vấn đề phổ biến, nhất là ở những người lính mới được tuyển dụng.
Bốn trong 6 người, trong đó có Dima, yêu cầu đổi tên hoặc giấu tên vì không được phép trao đổi với truyền thông.
"Không phải tất cả những người lính đều rời bỏ vị trí của họ, nhưng phần lớn là vậy. Khi những người mới đến đây, họ thấy nơi này khó khăn như thế nào. Họ nhìn thấy rất nhiều máy bay không người lái, pháo binh và súng cối của đối phương", một chỉ huy đơn vị đang chiến đấu ở Pokrovsk nói với CNN. Ông cũng yêu cầu được giấu tên.
"Họ đến các vị trí ở tiền phương một lần và nếu sống sót, họ sẽ không bao giờ quay trở lại. Họ rời khỏi vị trí của mình, từ chối tham gia trận chiến hoặc cố gắng tìm cách rời khỏi quân đội", ông cho biết.
Không giống những người tình nguyện trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, nhiều tân binh không có lựa chọn nào khác khi phải ra chiến trường. Họ bị gọi nhập ngũ sau khi luật động viên mới của Ukraine có hiệu lực và không thể rời đi một cách hợp pháp cho đến khi được giải ngũ, trừ trường hợp đặc biệt.
Các vấn đề về kỷ luật đã xuất hiện từ rất lâu. Ukraine trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn trong mùa đông và mùa xuân năm ngoái. Nhiều tháng gián đoạn nguồn viện trợ quân sự của Mỹ khiến Ukraine rơi vào tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng và tinh thần binh lính suy sụp.
Ông Serhiy Tsehotskiy, một sĩ quan của Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 59, nói với CNN rằng đơn vị này cố gắng luân chuyển binh lính định kỳ 3-4 ngày. Tuy nhiên, các máy bay không người lái của đối phương liên tục hoạt động, khiến việc luân chuyển nhiều như vậy trở nên nguy hiểm. Vì vậy, binh lính buộc phải ở lại lâu hơn.
Khi tình hình chiến trường xấu đi, ngày càng nhiều binh lính bỏ trốn. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, gần 19.000 binh lính bị kỷ luật vì bỏ vị trí hoặc đào ngũ, thông tin từ Quốc hội Ukraine cho biết.
Đây là một con số đáng kinh ngạc nhưng có thể không đầy đủ. Một số chỉ huy nói với CNN rằng nhiều sĩ quan không báo cáo tình trạng đào ngũ và vắng mặt trái phép, vì họ muốn thuyết phục binh lính tự nguyện trở về để không bị kỷ luật.
Cách làm này trở nên phổ biến đến mức Ukraine đã thay đổi luật để không hình sự hóa hành động đào ngũ và vắng mặt không phép với những người vi phạm lần đầu.
Pokrovsk đang là chiến trường trọng điểm ở miền đông Ukraine. Tốc độ tiến quân của Nga tăng tốc trong những tuần gần đây, khi hệ thống phòng thủ của Ukraine bắt đầu sụp đổ.
Kiev bất ngờ tấn công tỉnh Kursk từ đầu tháng trước, khiến Mátxcơva rơi vào thế bị động.
Các nhà lãnh đạo Ukraine, trong đó có Tổng thống Volodymir Zelensky, cho biết một trong những mục tiêu của chiến dịch này là ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Nga vào miền bắc Ukraine và tạo nên động lực mới cho một quốc gia kiệt quệ vì chiến sự kéo dài.
Tuy nhiên, những người lính công binh không chắc chắn lắm về chiến lược này. Vừa hoàn thành một nhiệm vụ dài qua biên giới, họ ngồi sụp xuống chiếc bàn bên ngoài nhà hàng đóng cửa gần biên giới để chờ xe đến đón.
Hút thuốc liên tục, họ tự hỏi tại sao họ lại được điều đến Kursk khi tiền tuyến phía đông đang hỗn loạn.
“Cảm giác thật kỳ lạ khi vào đất Nga, vì trong cuộc xung đột này, chúng tôi được cho là phải bảo vệ đất nước và lãnh thổ của mình, nhưng giờ chúng tôi lại chiến đấu trên lãnh thổ của quốc gia khác”, một trong số họ nói với CNN.
Cả bốn người đều đã chiến đấu trong hơn 2 năm rưỡi và công việc của họ rất khó khăn. Là lính công binh, họ trải qua nhiều ngày ở tuyến đầu, rà phá bãi mìn, chuẩn bị phòng thủ và tiến hành các vụ nổ có kiểm soát.
Khi nói chuyện với CNN, nhóm lính này có vẻ hoàn toàn kiệt sức. Họ không được nghỉ ngơi giữa hai đợt làm nhiệm vụ ở Pokrovsk và Kursk.
“Điều đó tùy thuộc vào từng chỉ huy. Một số đơn vị được luân phiên và có thời gian nghỉ, trong khi những đơn vị khác chiến đấu không ngừng, toàn bộ hệ thống không công bằng”, một trong những người lính cho biết. Khi được hỏi liệu những tiến triển ở Kursk có mang lại cho họ động lực về tinh thần hay không, nhóm lính này tỏ ra hoài nghi.
"Sau hơn 2 năm xung đột, mọi thứ đều giống nhau", một trong số họ nói với CNN.