HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743. Dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 9.623 tỷ đồng.
Dự án sẽ đặt một trạm thu phí trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, là tuyến đường huyết mạch nối giữa Bình Dương - TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ (một phần tuyến đường này trùng với đường vành đai 3 TP.HCM). Trạm thu phí sẽ được đặt gần vòng xoay An Phú, nút giao giữa đường Mỹ Phước - Tân Vạn và đường Lê Thị Trung (TP Thuận An). Thời gian thu phí dự kiến trong vòng 30 năm, với tổng số tiền ước thu 9.628 tỉ đồng (tương đương mức vốn đầu tư bỏ ra).
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết sở dĩ đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã đưa vào hoạt động vài năm nhưng bây giờ lại đặt trạm thu phí, không phải để hoàn vốn làm đường này. Mục đích đặt trạm nhằm tạo nguồn vốn thực hiện nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng tránh ùn tắc giao thông, có lợi cho dân và doanh nghiệp vận tải lưu thông hàng hóa kịp thời.
Theo đó, Bình Dương sẽ làm hàng chục cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông lớn giữa đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến đường chính để giảm ùn tắc giao thông (tính riêng hạng mục này là hơn 3.600 tỉ đồng), làm 7 đường gom dân sinh dọc đường Mỹ Phước – Tân Vạn và đường ĐT743 với chi phí 345 tỉ đồng.
Ngoài ra, dự án tạo nguồn thu để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa 4 tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương (gồm: Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747, ĐT743) trong thời gian tới (kinh phí trong suốt 30 năm lên tới trên 2.000 tỉ đồng).
Ông Đàm Trọng Cường, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bình Dương, cho biết: “Trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân vạn, tại ngã 5 An Phú, ngã tư giao lộ ĐT743 hiện đang là điểm “nóng” về ùn tắc giao thông. Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhiều. Dự án được triển khai sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc giảm ùn tắc giao thông, góp phần bảo đảm an toàn. Đồng thời, dự án sẽ giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng thêm chuyến vận chuyển, nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Thu phí không theo hình thức BOT
Trước đây đường ĐT743 có đặt trạm thu phí An Phú (phường An Phú, thị xã Thuận An) do công ty CP Vật liệu và xây dựng Bình Dương làm chủ đầu tư. Do đường thường xảy ra ùn tắc, tháng 8/2016, tỉnh Bình Dương quyết định mua lại trạm thu phí An Phú rồi xóa bỏ. Bình Dương khi ấy đã chi gần 40 tỷ đồng để mua lại trạm thu phí An Phú.
Vào thời điểm tiến hành xây dựng đường Mỹ Phước Tân Vạn chưa có hình thức đầu tư PPP (đối tác công - tư), nên Bình Dương không có chủ trương thu phí. Đến nay, loại hình đầu tư PPP và hợp đồng O&M (kinh doanh - quản lý) mới được hình thành và Bình Dương cho chủ trương thu phí trên đường này. Đây không phải là thu phí BOT mà là thu phí O&M để đầu tư xây dựng những hạng mục mới. Khi xây dựng xong các hạng mục rồi thì phải ngừng thu phí.
Được biết, trên địa bàn Bình Dương có 10 trạm thu phí (cả trạm hoàn vé và không hoàn vé).
“Nhiều tuyến đường đang xây mới và nâng cấp được thực hiện gấp rút, nhanh nhất có thể nhằm tránh ùn tắc giao thông, tạo cảnh quan đô thị. Bình Dương đã và đang tính đến chuyện toàn tỉnh chỉ đặt 2 trạm thu phí và các trạm chỉ thu phí đầu ra không thu đầu vào, nghĩa là xe vào Bình Dương sẽ không mất phí. Tuy nhiên, lộ trình để thực hiện phải đi từng bước phù hợp với quy định chung”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương ông Trần Văn Nam nói.