Đại diện UBND tỉnh Bình Dương thông tin, mục tiêu đến năm 2030, địa phương cơ bản trở thành một thành phố thông minh và cơ bản đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương.
Để đạt được mục tiêu trên, Bình Dương đề ra các chỉ tiêu, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 9% - 10%; cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm - thuỷ sản, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 62% - 30% - 2% - 6%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 393 triệu đồng - 419 triệu đồng, tương đương 15.000 - 16.000 USD; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 90%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%; tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn 3%; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt trên 95%.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Từ nay đến năm 2025, Bình Dương vận động và tiến hành di dời 30% - 40% số lượng doanh nghiệp thuộc diện di dời theo Đề án di dời các doanh nghiệp sản xuất ở phía Nam lên các địa phương phía Bắc của tỉnh để tập trung sắp xếp quy hoạch chuyển đổi công năng sang phát triển dịch vụ, thương mại, tạo sự phát triển cân bằng bền vững.
Bình Dương đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; phát triển công nghiệp công nghệ cao và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị; phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu lại và nâng cao giá trị ngành nông nghiệp; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Cũng tại hội nghị này, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương sắp có thêm thành phố trực thuộc tỉnh. Bình Dương đang chờ Trung ương quyết định về việc công nhận thị xã Bến Cát lên thành phố.
Thị xã Bến Cát nhìn từ trên cao |
Trước đó, trong các năm 2020 và 2021, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các văn bản cho chủ trương về việc xây dựng Đề án thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và Đề án thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.
Để hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, thị xã Bến Cát đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Theo công văn số 4567 của Bộ Xây dựng, triển khai thực hiện Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch phân loại Đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, thì các đô thị mới dự kiến thành lập, trong đó thành lập phường An Điền, An Tây, phải phù hợp với quy hoạch chung đô thị Bến Cát, và phải được quy hoạch phân khu cho 2 xã này trước khi lên phường.
Theo lộ trình thực hiện, tháng 4/2022 địa phương tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn thị xã Bến Cát. Đến tháng 5/2022 thông qua HĐND cấp xã cho ý kiến và ban hành Nghị quyết; thông qua HĐND cấp thị xã cho ý kiến và ban hành Nghị quyết. Từ tháng 5 – 6/2022 hoàn chỉnh Đề án gửi Sở Nội vụ, UBND tỉnh, HĐND tỉnh Bình Dương để trình Trung ương. Hiện nay, Bình Dương đã hoàn thành các bước trên và đang chờ Trung ương quyết định.