Ngày 22/9, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương thông tin vừa tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Một phiên tòa xét xử tại TAND tỉnh Bình Dương |
Đại diện TAND tỉnh Bình Dương cho biết, từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2022, TAND hai cấp Bình Dương đã thụ lý 555 vụ (512 vụ hành chính sơ thẩm và 43 vụ hành chính phúc thẩm); đã giải quyết 471 vụ, đạt tỷ lệ 84,86%.
Trong đó, án hành chính chủ yếu là các khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, chiếm trên 70% các vụ án hành chính sơ thẩm, gồm: Việc đền bù, hỗ trợ tái định cư; khiếu kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính về cấp và không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định quản lý đất công.
Tại hội nghị, đại diện cơ quan tố tụng cho rằng, trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính còn gặp khó khăn do một số quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, và còn 'kẽ hở'.
Để dẫn chứng, đại diện TAND tỉnh Bình Dương cho biết, quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó.
Theo đó, tất cả người đại diện hợp pháp cho người bị kiện thực hiện việc trình bày ý kiến, cung cấp chứng cứ theo quy định. Tuy nhiên, hầu hết người đại diện đều có yêu cầu vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ việc.
Trong số 471 vụ án hành chính đã giải quyết, chỉ có 17 vụ người đại diện có mặt để tham gia giải quyết vụ án. Điều này gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, nhiều thủ tục tố tụng phải thực hiện nhiều lần, không thể tổ chức đối thoại với người khởi kiện. Bên cạnh đó, các quy định về đối thoại, mở phiên họp… cũng gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Từ thực tiễn, TAND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị TAND tối cao sớm có hướng dẫn đối với các vướng mắc. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp với tòa án trong công tác giải quyết án.