Chống thất thu thuế từ chuyển nhượng BĐS:

Cần xử nghiêm văn phòng công chứng tiếp tay lách luật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ cuối năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính ra nhiều công văn yêu cầu cục thuế các địa phương có giải pháp nhằm tránh thất thu thuế chuyển nhượng BĐS.

Sau các công văn này, từ môi giới BĐS đến các văn phòng công chứng đều tìm cách chuyển hướng hoạt động, bày cách cho người chuyển nhượng BĐS một số chiêu đơn giản để lách luật như nâng giá chuyển nhượng cao hơn chút ít so với khung giá đất của Nhà nước để đối phó với cơ quan thuế.

Trong vai người cần chuyển nhượng BĐS, PV Tiền Phong đã liên hệ với nhiều môi giới BĐS và văn phòng công chứng để tìm hiểu quá trình lách luật nhằm giảm đóng thuế chuyển nhượng BĐS. Anh Nguyễn Văn Tân, môi giới nhà đất tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, cơ quan thuế siết việc kê khai giá chuyển nhượng để thu thuế thu nhập cá nhân nên đã phần nào ảnh hưởng đến các giao dịch. Tuy nhiên, người trong nghề cũng sẽ có chiêu ứng phó giúp người chuyển nhượng tiết kiệm tối đa chi phí thuế phải nộp.

Chúng tôi tìm đến một văn phòng công chứng tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), một nhân viên cho biết, trước đây chỉ cần kê khai giá chuyển nhượng bằng khung giá Nhà nước đưa ra. Tuy nhiên, gần đây cơ quan thuế yêu cầu kê khai chuẩn giá chuyển nhượng nên ít nhất giá chuyển nhượng phải cao hơn khung giá Nhà nước đưa ra. Với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Hà Đông (Hà Nội) mà chúng tôi đưa ra, nhân viên này tư vấn, khung giá đất trong ngõ khu vực Hà Đông khoảng 10 triệu đồng/m2. Mảnh đất có diện tích 40 m2, đã có nhà ở cấp 4, giá chuyển nhượng cần kê khai khoảng 600 triệu đồng.

Cần xử nghiêm văn phòng công chứng tiếp tay lách luật ảnh 1

Người dân làm thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng BĐS tại văn phòng công chứng Ảnh: Ngọc Mai

“Chị cứ kê khai giá chuyển nhượng khoảng 600 triệu đồng. Khi nộp hồ sơ, cán bộ thuế sẽ hẹn ngày lên giải trình về giá chuyển nhượng này. Nếu giải trình lọt, hồ sơ sẽ được duyệt”, nhân viên văn phòng công chứng này hướng dẫn.

Theo nhân viên công chứng này, nếu thuê văn phòng công chứng làm dịch vụ nộp hồ sơ, giải trình tại cơ quan thuế với chi phí trọn gói 4 triệu đồng/bộ hồ sơ. Khi cán bộ thuế yêu cầu giải trình, nhân viên công chứng sẽ đi cùng người chuyển nhượng BĐS và giải trình để có thể “lọt” hồ sơ.

Thanh tra, rút giấy phép văn phòng công chứng lách luật

Luật sư Bùi Sinh Quyền - Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho biết, đã nhiều lần có ý kiến đề nghị cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra các trường hợp khai giá trị chuyển nhượng BĐS quá thấp, có biểu hiện gian dối, trốn thuế. Các văn phòng công chứng tư vấn cho khách hàng theo hướng giá chuyển nhượng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật, khiến Nhà nước thất thu thuế.

“Cơ quan chức năng chỉ cần kiểm tra toàn bộ hợp đồng công chứng mua bán, chuyển nhượng BĐS trong năm 2021 sẽ chỉ ra được các văn phòng công chứng làm trái pháp luật. Văn phòng công chứng hiểu luật, nhưng có dấu hiệu lách luật khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng BĐS cần được xử lý nghiêm, có thể là thu hồi giấy phép hoạt động của văn phòng công chứng”, Luật sư Quyền kiến nghị.

Theo ông Quyền, xử phạt nghiêm văn phòng công chứng sai phạm sẽ không còn tình trạng cố tình “lách luật”, kê khai giá chuyển nhượng BĐS thấp hơn giá thực tế nhằm né thuế. Mới đây Tổng Cục Thuế vừa ra công điện yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng chi cục thuế, đối với trường hợp chuyển nhượng BĐS không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định.

MỚI - NÓNG