Khắc phục dàn đều biên chế cho cơ quan thanh tra

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở là phù hợp, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, khắc phục tình trạng “dàn đều” biên chế.
Khắc phục dàn đều biên chế cho cơ quan thanh tra ảnh 1

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Lập Thanh tra Tổng cục, Cục không phát sinh tổ chức, biên chế

Tại Hội nghị đại biểu chuyên trách sáng 7/9, thông tin về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Theo ông Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo nhận thấy, việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện các sai phạm phát sinh ngay từ ở cơ sở.

“Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”, ông Tùng nêu.

“Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển”, ông Tùng nêu.

Đối với việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ông Tùng lý giải, việc dự thảo Luật quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành, cũng không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới. Tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí, nguyên tắc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Về Thanh tra sở, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo nhận thấy, việc giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở là phù hợp, đề cao trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khắc phục tình trạng “dàn đều” biên chế cho cơ quan thanh tra ở tất cả các sở.

Khắc phục dàn đều biên chế cho cơ quan thanh tra ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Quy định thành lập Thanh tra Sở chưa rõ

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình quan tâm đến việc thành lập đoàn thanh tra (Điều 55), dự thảo Luật quy định: Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra.

Khác với Luật hiện hành, dự thảo đã bỏ quy định Đoàn thanh tra phải có thanh tra viên. Thực tế cho thấy có trường hợp là trưởng đoàn thì không phải thanh tra viên nhưng trong đoàn thì phải có thanh tra viên. Thanh tra viên thì có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn thời gian công tác, phải thi tuyển… để bảo đảm chất lượng của Đoàn thanh tra và để thực hiện các thẩm quyền của thanh tra viên.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cân nhắc sửa đổi thành “Nếu Đoàn thanh tra mà không cần thanh tra viên thì chế định thanh tra viên sẽ vô nghĩa”. “Đoàn thanh tra không có thanh tra viên thì tôi nghĩ chỉ nên là đoàn kiểm tra thôi”, ông Cường nêu. Đại biểu đề nghị tham khảo Luật Kiểm toán nhà nước, trong đó phân định rất rõ thẩm quyền.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, thanh tra huyện có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, đồng thời bảo đảm đúng nguyên tắc ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra. Trong thực tiễn việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp ngay từ cơ sở là cần thiết, Thanh tra huyện đảm bảo việc giải quyết đơn thư kịp thời, tránh gây áp lực cho Thanh tra tỉnh.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra huyện, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ, cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực về con người, sớm kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra huyện, để thanh tra huyện đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho rằng, thẩm quyền thành lập Thanh tra Sở theo quy định trong dự thảo Luật là chưa rõ ràng. Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần quy định rõ nguyên tắc UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở, trong đó việc thành lập Thanh tra Sở tại một số Sở có phạm vi rộng, yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp cũng do UBND tỉnh quyết định thành lập nhằm đảm bảo tính thống nhất, bình đẳng giữa các tổ chức này.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Dự án Luật cần quy định nguyên tắc khi Chính phủ quyết định các Sở được tổ chức thanh tra thì cần tính đến đặc điểm của từng địa phương, đặc biệt là với các địa phương có quy mô, diện tích, dân số lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không nên đánh đồng các đơn vị với nhau khi có sự khác biệt về quy mô dân số, diện tích.

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.