Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong năm 2022, có 610 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động, giải thể, tăng trên 23% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp đăng ký ngừng kinh doanh tiếp tục tăng cho thấy sau những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 mang lại, sự bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới làm cho giá cả hàng hóa, nhiên liệu tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Một số lĩnh vực các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng tăng cao, gồm: Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng; Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.
Thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động cao nhất.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài. Do vậy, trong thời gian tới, để có thể hạn chế số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Người lao động đi nộp hồ sơ xin việc làm tại Bình Dương sau Tết Nguyên đán 2023. |
Năm 2022, dù có số doanh nghiệp giải thể cao nhưng điểm sáng của tỉnh Bình Dương là thu hút vốn đầu tư tăng "khủng".
Theo báo cáo UBND tỉnh Bình Dương, năm 2022, vốn đầu tư trong nước "rót" vào tỉnh này đạt gần 97.000 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ USD), tăng hơn 28% so với năm 2021, trong đó có hơn 6.200 doanh nghiệp đăng ký mới và hơn 1.500 đơn vị bổ sung tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Năm 2022, lần đầu tiên Bình Dương có vốn đầu tư trong nước cao hơn cả vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Về thu hút vốn FDI, trong năm 2022 Bình Dương đạt 3,078 tỷ USD. Tính đến nay, Bình Dương có 4.082 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 39,7 tỷ USD. Bình Dương tiếp tục giữ vị trí thứ 2 sau TPHCM về thu hút vốn FDI.