Hội nghị khẳng định, quá trình vận động tranh cử tới đây phải đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các ứng viên.
5 người bị khiếu nại, tố cáo
Báo cáo tại Hội nghị, bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, hầu hết 197 ứng cử viên đều được cử tri tín nhiệm cao 100%, chỉ có 5 người được cử tri ở cơ quan và 3 người được cử tri nơi cư trú tín nhiệm dưới 100% nhưng đều đạt từ 97% trở lên. Cũng theo bà Thanh, tính đến ngày 13/4, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã nhận được 3 đơn thư khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh liên quan đến 5 ứng cử viên ĐBQH khóa XIV ở T.Ư. Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ đã xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
“MTTQ đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo 4 trường hợp đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia để giải quyết theo thẩm quyền và đã thông báo cho người gửi đơn. Trường hợp còn lại thì cơ quan có trách nhiệm đã xác minh và trả lời là phản ánh của cử tri không có căn cứ và vụ việc đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”, bà Thanh nói.
Theo bà Thanh, việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo này đều căn cứ theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với người ứng cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Thảo luận về danh sách 197 ứng cử viên ở T.Ư, hầu hết các ý kiến trong Đoàn Chủ tịch đều bày tỏ sự tín nhiệm cao, chỉ duy nhất trường hợp của ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH gây ra một số băn khoăn, thắc mắc. Ông Lê Thanh Vân vốn được cơ cấu về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhưng tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lại không trúng vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, không được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy. Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ cho rằng, phải chăng ông Lê Thanh Vân “không hoàn thành nhiệm vụ” nên không được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy. Và khi không được Đảng bộ địa phương tín nhiệm thì có còn xứng đáng được giới thiệu ứng cử ĐBQH?
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH lại cho rằng, việc không được tín nhiệm trong công tác Đảng không ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, đặc biệt là ở QH, cơ quan lập pháp. “Chuyện không trúng vào Thường vụ tỉnh ủy là bình thường vì có trường hợp rủi ro. Tôi cho rằng, ông Vân là người có năng lực. Nhiệm kỳ vừa rồi tôi theo dõi, ông ấy là tiến sĩ Luật học có nhiều đóng góp và am hiểu. Nên giới thiệu vào ĐBQH là được. Vì vậy tôi hoàn toàn ủng hộ”, ông Trần Ngọc Đường nói.
Đảm bảo tính dân chủ, công bằng, minh bạch
Theo ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội, việc giới thiệu danh sách ứng cử viên là quan trọng nhưng công tác giám sát hoạt động của các ĐB sau khi bầu thì vẫn còn những hạn chế nhất định. Thực tế ông Túc cho biết, có tình trạng một số đồng chí khi được bầu vào một số chức vụ đã tổ chức tiệc ăn mừng rất lớn. “Một năm Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ chỉ họp có hai lần thì phải chăng chúng ta đang buông trách nhiệm giám sát. Trách nhiệm giới thiệu và trách nhiệm giám sát phải đi liền với nhau và MTTQ phải làm tốt hơn nữa điều này”, ông Túc nói.
Ông Phạm Xuân Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch thì khẳng định, việc lấy ý kiến của cử tri đối với các ứng cử viên là sự tiến bộ rồi nhưng thực tế còn có rất nhiều cái dân không thể biết. “Việc kê khai tài sản nếu không công bố thì sao dân biết được. Nhiều đồng chí về hưu báo chí đưa ra thì mới bị phanh phui. Nguyên nhân của việc này không phải chúng ta không làm hết trách nhiệm với nhân dân mà là do chúng ta không có thông tin”, ông Hằng nói.
Theo bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch QH, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các ứng cử viên đều được giải quyết đúng pháp luật, có sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ban Tổ chức T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Những khiếu nại, tố cáo sau khi được xem xét đều có báo cáo cho Ủy ban T.Ư MTTQ. Về người tự ứng cử, bà Phóng cho rằng, những người này đều được trân trọng và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo bà Phóng, sau Hội nghị hiệp thương lần 3, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cần tiếp thu ý kiến, kiện toàn, rà soát danh sách, đảm bảo tính chính xác chức danh mới của một số ứng cử viên, rà soát danh sách cử tri. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ là đơn vị tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên phải đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo bình đẳng giữa các ứng viên.
Sau phần thảo luận, Đoàn Chủ tịch đã tiến hành biểu quyết và 100% đại biểu có mặt đồng ý thông qua danh sách ứng cử ĐBQH của 196 ứng cử viên. Riêng trường hợp của ông Lê Thanh Vân thì tiến hành biểu quyết riêng. Kết quả với 57/62 đại biểu có mặt đồng ý, ông Vân có mặt trong danh sách 197 ứng cử viên ĐBQH khóa XIV ở T.Ư.
Hai Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Đoàn Chủ tịch T.Ư MTTQ
Chiều 14/4, Hội nghị Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam lần thứ 5, khóa VIII tán thành việc thôi chức vụ đối với ông Vũ Trọng Kim và hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019. Hội nghị cũng thống nhất hiệp thương cử bổ sung 12 vị vào Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa VIII trong đó có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư. Như vậy, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa VIII có 386 ủy viên Ủy ban; 62 ủy viên Đoàn Chủ tịch; 6 Phó Chủ tịch không chuyên trách; Ban Thường trực là 6 vị.