Biểu tình bạo lực chống chính phủ chưa từng có bùng nổ ở Iran

Người biểu tình Iran phủ kín đường phố. Ảnh: Reuters
Người biểu tình Iran phủ kín đường phố. Ảnh: Reuters
TPO - Iran đang hứng chịu làn sóng biểu tình chống chính phủ nghiêm trọng nhất kể từ 2009 sau sự kiện tái đắc cử của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (giai đoạn 2005-2013).

Các cuộc biểu tình nổ ra từ thứ Ba (26/12), rồi bùng phát thành bạo lực vào thứ Bảy (30/12), trùng với sự kiện mít tinh do chính phủ Hồi giáo tổ chức, đánh dấu cuộc đàn áp tình trạng bất ổn cuối cùng vào năm 2009, được tổ chức tại 1.200 thành phố và thị trấn, chủ yếu tập trung ở thủ đô Tehran và Mashhad, thành phố lớn thứ hai của Iran.

Không có quy mô rộng lớn như cuộc mít tinh ủng hộ chính phủ, các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ở một số thành phố. Tại Tehran, đám đông đã đối đầu và ném đá vào cảnh sát xung quanh các cơ quan chính phủ quan trọng.

Video được đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội thì thị trấn phía tây Dorud cho thấy, hai thanh niên nằm bất động trên mặt đất, bị bao phủ bởi máu, và một giọng nói cho hay, họ đã chết khi cảnh sát chống bạo động nã súng vào đám đông biểu tình. Tuy nhiên, chưa thể chứng thực được tính chân thật của video.

 Trong khi đó, truyền thông xã hội từ thành phố Mashhad cho thấy, những người biểu tình tấn công xe cảnh sát chống bạo loạn, khiến nó tổ tung.

Hãng tin bán chính thức Fars News của Iran đưa tin, khoảng 70 sinh viên tụ tập trước trường đại học, ném đá vào cảnh sát, và hô vang khẩu hiệu đả đảo lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Tại trung tâm Tehran và vùng phía tây thủ đô Karaj, những người phản đối đã đập vỡ các cửa sổ trên tòa nhà chính phủ, cũng như gây ra các đám cháy trên đường phố.

Biểu tình bạo lực chống chính phủ chưa từng có bùng nổ ở Iran ảnh 1 Người biểu tình đốt lửa trên đường phố. Ảnh: Reuters

Đáp lại, theo video trên truyền thông xã hội, cảnh sát sử dụng dùi cui giải tán đám đông, bắt giữ một số người trong đó.

Theo hãng tin ISNA, cảnh sát đã đóng cửa hai trạm tàu điện ngầm để ngăn chặn nhiều người biểu tình đến.

Tướng Esmail Kowsari, phó chỉ huy an ninh của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tại Tehran, cho biết, tình hình ở thủ đô đã được kiểm soát, và cảnh báo người biểu tình sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc của quốc gia nếu tình trạng bất ổn tiếp diễn.

Trước bối cảnh hỗn loạn ở Iran, Mỹ lên án việc bắt giữ người biểu tình của Iran do báo chí địa phương thông tin.

Trong một bài đăng mới đây trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Toàn thế giới hiểu rằng, những người tốt của Iran muốn thay đổi, và ngoài quyền lực quân sự hùng mạnh của Mỹ, nhân dân Iran chính là điều khiến các lãnh đạo Iran sợ hãi nhất”.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi khẳng định: “Người Iran không thấy có giá trị nào trong các tuyên bố lợi dụng cơ hội của quan chức Mỹ và ông Trump”.

Reuters thông tin, đây là cuộc biểu tình chính trị công khai hiếm hoi tại Iran, nơi có mạng lưới an ninh dày đặc, kể từ năm 2009.

Bất mãn gia tăng do nạn thất nghiệp cao, lạm phát và các cáo buộc tham nhũng. Một số cuộc biểu tình mới chuyển sang các vấn đề chính trị vĩ mô hơn, bao gồm sự tham gia tốn kém của Iran vào các xung đột khu vực như ở Syria và Iraq.

Khi tái đắc cử vào hồi tháng 5, Tổng thống Hassan Rouhani từng hứa sẽ vực dậy nền kinh tế đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng của Iran. Tuy nhiên, kể từ khi giữ vị trí từ năm 2013, thành tựu hàng đầu của ông là thỏa thuận vào năm 2015 với các cường quốc thế giới, nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran để bù đắp cho các biện pháp trừng phạt quốc tế, nhưng vẫn chưa đem lại những lợi ích kinh tế to lớn.

Theo thống kê của Iran, tình trạng thất nghiệp tăng lên 12,4% trong năm nay (khoảng 3,2 triệu người Iran không có việc làm), lạm phát hàng năm của Iran đang ở mức khoảng 8%, với sự thiếu hụt một số loại thực phẩm, góp phần đẩy giá cả và khiến nhiều gia đình vào khó khăn.

Theo Theo Reuters, RT
MỚI - NÓNG