Biết trước đề thi
Ngày 7/5/2013, Bộ Công Thương có Quyết định 2867 về việc giao biên chế công chức năm 2013 cho Cục Quản lý thị trường (QLTT). Theo đó, Cục QLTT sẽ có 62 biên chế (tăng thêm 10 biên chế so với năm 2012). Trên cơ sở đó, Cục QLTT tổ chức thi tuyển công chức vào các ngày 5 và 6/10/2013 với 299 thí sinh tham dự.
Sau khi Cục QLTT công bố kết quả thi tuyển, rất nhiều đơn thư khiếu nại, “tố” Cục này bán đề thi cho một số thí sinh là con em trong ngành hoặc được cấp trên “gửi gắm”, giúp lọt vào tốp 10 người được tuyển.
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nơi xảy ra sai phạm về thi tuyển công chức khiến dư luận bức xúc. Ảnh: Như Ý
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, dù vụ thi tuyển đã bị tố cáo lộ đề, nhưng nguyên Cục trưởng QLTT, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển - ông Trương Quang Hoài Nam (nay là Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ) và Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Cục phó QLTT Trịnh Văn Ngọc vẫn khẳng định việc thi tuyển đúng quy định (?). Lãnh đạo Cục này sau đó còn lập công văn gửi lãnh đạo Bộ Công Thương xin phê duyệt kết quả thi.
Ngày 19/3/2014, Cục QLTT còn có công văn 282 gửi đến 10 thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi và cho biết, lý do chậm trễ công nhận kết quả là có đơn khiếu nại. “Sau kết luận của các cơ quan chức năng, Bộ Công Thương sẽ có quyết định chính thức công nhận kết quả thi và Cục QLTT sẽ thông báo kết quả cụ thể đến thí sinh”, công văn hứa hẹn.
Trước sai phạm trên, vào ngày 13/6/2014, Cục QLTT ra thông báo số 771/TB-QLTT, xem xét kỷ luật công chức với nội dung: “Căn cứ kết luận điều tra của Cục An ninh Kinh tế tổng hợp Bộ Công an đối với các công chức Cục QLTT có hành vi vi phạm quy định trong kỳ thi tuyển công chức Cục QLTT năm 2013…, Cục QLTT thông báo về việc xem xét kỷ luật đối với ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Pháp chế Cục QLTT và ông Nguyễn Đức Lê, Phó Trưởng phòng vì có hành vi vi phạm các quy định có liên quan trong kỳ thi tuyển công chức Cục QLTT năm 2013. Thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại điều 7 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức”.
Theo mức kỷ luật trên, các cán bộ này chỉ có thể bị kỷ luật tối đa là 2 tháng kể từ khi bị phát hiện có sai phạm. Còn nếu áp dụng theo khoản 2 điều 80 Luật Cán bộ, việc cán bộ QLTT “tuồn” đề thi cho các thí sinh “người nhà” cũng chỉ bị kỷ luật 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Ở đây, trách nhiệm của Hội đồng thi đã bị bỏ qua, mà người đứng đầu là ông Trương Quang Hoài Nam - nguyên Cục trưởng QLTT, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển (nay là Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ).
Theo quy định hiện hành, với những sai phạm nghiêm trọng trên, Hội đồng thi tuyển công chức của Cục QLTT phải hủy bỏ kết quả thi và tổ chức thi lại. Các thành viên trong Hội đồng thi tuyển phải bị xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, đến nay, theo một số nguồn tin, hiện có 7/10 thí sinh trong kỳ thi nghi bị lộ đề đã được nhận giấy trúng tuyển của Cục QLTT và bắt đầu đi làm từ 1/8; trong đó có cháu của ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng QLTT.
Ngày 5/8, trả lời PV Tiền Phong, ông Đỗ Thanh Lam nói là không có chuyện cháu ruột của ông đỗ tại kỳ thi này. Trong khi đó, qua điện thoại, ông Trương Quang Hoài Nam cho biết “đang bận họp Quốc hội”(?).
Trước vụ việc, dư luận đặt câu hỏi là, với một kỳ thi bất minh, khi người đỗ là con em trong ngành, trong tương lai điều gì sẽ xảy ra.
“Giả sử nếu có việc chạy chọt hoặc bỏ tiền ra để thi đỗ, những cán bộ này khi làm việc sẽ rất nguy hiểm. Vì lĩnh vực hoạt động của lực lượng QLTT rất “nhạy cảm” và dễ phát sinh nhiều tiêu cực. Ai dám chắc họ sẽ không làm ẩu để thu hồi lại khoản tiền đã bỏ ra”, một cán bộ QLTT xin giấu tên nói.
Có hủy kết quả kỳ thi?
Liên quan vụ việc, được biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu các cán bộ của Cục QLTT liên quan nghiêm túc giải trình, làm bản kiểm điểm về vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kỳ thi tuyển tại Cục QLTT đúng là có sai phạm. Sau khi Bộ Công Thương làm việc với các bộ ngành liên quan, những trường hợp sai phạm sẽ bị xử lý. Trường hợp không sai phạm, phải công nhận kết quả cho thí sinh.
“Bộ Công Thương đang tham khảo ý kiến các cơ quan, đang làm đúng quy trình. Yếu tố con người hết sức quan trọng, chúng tôi khẳng định sẽ làm nghiêm túc”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
“Cơ quan chức năng phải chứng minh người ta có tội, chứ không phải từng cá nhân họ phải chứng minh mình vô tội... Hiện, lực lượng chức năng chưa có quyết định gì. Do đó, Bộ Công Thương vẫn công nhận 7 trường hợp trúng tuyển từ ngày 1/8; còn 3 trường hợp lực lượng chức năng khẳng định vi phạm, sẽ hủy bỏ kết quả”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, với cán bộ trực tiếp vi phạm phải xem xét xử lý ở hai cấp. “Với cấp phòng, một trường hợp bị hạ một bậc lương, trường hợp thứ hai nhận hình thức cảnh cáo. Còn ở cấp cao hơn, Bộ đang cân nhắc vì có yếu tố giảm nhẹ do thương binh hoặc sắp nghỉ hưu”, ông Hải nói.