Biết lắng nghe

Biết lắng nghe
TP - “Phí trước bạ đối với ô tô đăng ký lần đầu sẽ chỉ còn 10%; và phí sang tên đổi chủ đối với ô tô chỉ còn 2%”- đó là đề xuất của Ban Soạn thảo (Bộ Tài chính) Thông tư hướng dẫn việc thu phí trước bạ đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi vừa đưa ra lấy ý kiến đóng góp công khai của tỉnh, thành trong cả nước.

> Đề xuất phí trước bạ trên cả nước 10%
> Trước giờ giảm phí trước bạ, thị trường xe cũ vẫn ngủ đông

Chỉ các thành phố lớn trực thuộc T.Ư trong trường hợp phải hạn chế phương tiện cá nhân thì HĐND các thành phố này mới có quyết định tăng mức phí trước bạ lên nhưng không quá một nửa mức 10% (mức hiện hành của Hà Nội là 20%; của TPHCM hiện hành là 13%).

Đề xuất này được ghi trong dự thảo Thông tư khiến người dân vừa hoan hỷ vừa thở phào.

Hoan hỷ bởi bộ thứ ba (Bộ Tài chính-nơi nắm ngân khố quốc gia) bỗng dưng hoá giải được một cuộc “tranh cãi nảy lửa” của hai bộ chuyên ngành là Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải về câu chuyện “phạt hay không phạt xe không chính chủ” đến mức phải “đẩy” hai phương án (Bộ Công an thì kiên quyết đòi phạt xe không chính chủ, còn Bộ GTVT thì đòi bỏ) lên Chính phủ nhờ phân giải.

Thở phào vì mình có cơ hội chính thức hoá tài sản của mình (xe ô tô mua lại nhưng chưa sang tên đổi chủ) với một mức phí khiêm tốn chỉ 2% giá trị chiếc xe mình đang lái thay vì mức 20% (ở Hà Nội)!

Xét trên góc độ cầu thị, rõ ràng đề xuất của cơ quan nắm hầu bao ngân khố quốc gia đã tiếp thu ý kiến của người nộp thuế, phí, đứng trên tinh thần dân tuý và tinh thần chuyên ngành là “nuôi dưỡng nguồn thu”!

Xét trên góc độ pháp luật thì, chế tài hành chính là mức thuế, phí (hay chế tài hình sự như phạt tù hoặc tử hình) đều là để đảm bảo các quy phạm pháp luật do Nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành phải được người dân thực thi nghiêm chỉnh.

Nhưng xét về căn gốc, pháp luật ra đời là để điều chỉnh hành vi ứng xử hay hành động của mọi công dân-vốn vẫn tồn tại trong xã hội như một thực thể- tuân theo quy chuẩn đạo đức và khuôn khổ của số đông đã được xã hội chấp nhận.

Bời vậy, những người làm luật và văn bản quy phạm pháp luật (các công bộc của dân) phải có tầm nhìn, thậm chí dự đoán được các hành vi của công dân trong tương lai để luật, văn bản quy phạm pháp luật ban hành ra chí ít là phải đi được vào cuộc sống (tính phù hợp thực tiễn và tính hiệu lực thực thi) hay có tuối thọ cao (như luật của nhiều nước hàng trăm năm không phải sửa đổi bổ sung).

Việc áp đặt ý chí của những “công bộc của nhân dân” với tư duy “dành phần thuận lợi cho mình” hoặc “nhóm lợi ích” đã khiến nhiều văn bản pháp luật ban hành ra lâu nay thiếu tính khả thi, không phù hợp thực tế và người dân tìm mọi cách lách luật kiểu “không sang tên đổi chủ” vì phí trước bạ quá cao như câu chuyện “xe chính chủ” hiện đang bỏng rẫy trên công luận là một minh chứng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã căn dặn các “công bộc của dân” và cơ quan tư pháp rằng “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”; và “Nếu bắt cũng được, không bắt cũng được thì kiên quyết không bắt”, xét đến cùng Người dạy người cán bộ cách mạng - đều từ nhân dân mà ra - là phải luôn cầu thị, luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu những tâm trạng xã hội, những cảm xúc của người dân.

Bởi vậy câu chuyện phí trước bạ của Bộ Tài chính nêu trên có thể gọi bằng ba từ: Biết lắng nghe!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).