Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Sadikin, biến thể mới AY.23 có nhiều điểm tương đồng với biến thể AY.4.2 được phát hiện trước đó vài tháng ở Anh.
Biến thể AY.23 chiếm tới 70% trong số 4.732 mẫu dương tính được thu thập từ 12 phòng thí nghiệm giải trình tự gien của Indonesia.
Tuy nhiên, ông Sadikin nhận định AY.23 sẽ không gây ra một đợt bùng phát nghiêm trọng tương tự hồi tháng 7. “May mắn là chúng ta đã vượt qua thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng Delta, do đó người dân vẫn còn khả năng miễn dịch”, bộ trưởng nói.
Tám thành phố của Indonesia hiện đang ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại là Lebak (tỉnh Banten), Sumedang (Tây Java), Purbalingga và Kendal (Trung Java), Tuban (Đông Java), Teluk Wondama và Fak Fak (Tây Papua), và Kendari (Sulawesi).
Trong khi đó, nhiều vùng khác của Indonesia đã dần chuyển sang trạng thái bình thường mới sau khi quốc gia này trải qua làn sóng dịch hồi tháng 5. Số ca mắc mới trung bình trong một tuần đã lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 7 với 50.000 ca/ngày. Con số này đã giảm xuống còn 1.700 ca/ngày vào đầu tháng 10.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và đến Indonesia vào khoảng tháng 3. Tới tháng 6, biến thể này chiếm hơn 90% tổng số ca bệnh ở Indonesia.
“Thời điểm đó, chúng tôi đã thắt chặt quy định tại các sân bay, nhưng biến thể Delta đã vào Indonesia thông qua một cảng biển. Rút kinh nghiệm, chúng tôi hiện đang tăng cường kiểm tra tại 5 sân bay, 9 cảng biển và 4 điểm nhập cảnh”, Bộ trưởng Sadikin cho biết.
Chính phủ Indonesia đang nỗ lực hết sức để hạn chế khả năng xảy ra thêm đợt bùng phát nghiêm trọng, vì Jakarta sẽ giữ chức Chủ tịch nhóm G20 vào năm 2022 và tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Bali vào quý 4 năm sau.