Cũng theo ông Tuấn Anh, thời gian gần đây, các đối tượng phạm tội đang sử dụng cách thức trốn ra nước ngoài nhằm gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là công tác quản lý về xuất nhập cảnh nước ta còn hạn chế, chưa có chế tài giám sát chặt chẽ hoặc biện pháp ngăn chặn kịp thời. Có trường hợp lợi dụng việc đi công tác, đi khám chữa bệnh (tức là đi một cách hợp pháp), sau đó trốn ở lại nước ngoài, nổi cộm như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh.
Luật sư Tuấn Anh phân tích, thời điểm trên, căn cứ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kết luận của Thanh tra Chính phủ thì rõ ràng ông Thanh đang thuộc đối tượng có liên quan đến công tác điều tra tội phạm. Tuy nhiên, đến thời điểm ông Thanh “đi nước ngoài khám bệnh” chưa hề có thông báo về việc cấm xuất nhập cảnh đối với ông Thanh. Chính vì vậy, ông Thanh vẫn ung dung “ra nước ngoài khám bệnh” như một công dân bình thường.
Cũng theo luật sư, biện pháp ngăn chặn các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài là rất hạn chế, bởi Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Chỉ khi có nghi vấn tội phạm, các cơ quan chức năng mới có quyền thực hiện biện pháp ngăn chặn.
Luật sư Tuấn Anh đề xuất, cần mở rộng thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh. Theo đó, phải trao thẩm quyền này thêm cho cơ quan thanh tra và các cơ quan liên quan, để kịp thời có thể ra quyết định và thông báo cấm xuất cảnh ngay lập tức đối với các đối tượng liên quan đến điều tra tội phạm, tránh trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài rồi mới truy nã.
“Về biện pháp ngăn chặn việc bỏ trốn ra nước ngoài như đã nói ở trên, trong trường hợp phát hiện sai phạm hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ ra thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh để cấm xuất cảnh đối với đối tượng, tạo điều kiện phục vụ cho công tác điều tra” – luật sư Tuấn Anh nói.