Biển, mồ hôi và nước mắt…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng sau bão Yagi, nhiều doanh nghiệp nuôi hải sản ở Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả (Quảng Ninh) chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Nhưng với tinh thần kiên định, không lùi bước, những ngư dân làm nghề biển vẫn quyết tâm làm lại từ đầu.

Muối, mồ hôi và nước mắt

Đón chúng tôi ở cầu cảng, Chủ tịch UBND xã Hạ Long, huyện Vân Đồn - Đỗ Mạnh Ninh với khuôn mặt phờ phạc sau một tuần “quần” nhau với bão nhưng vẫn nở nụ cười tươi rói: “Nay anh em đi cắm định vị cho các hộ nuôi biển. Bão gió quật tan tác hết, giờ phải cắm lại vị trí cho bà con yên tâm tái thiết sản xuất. Chậm ngày nào là sốt ruột ngày đấy”.

Biển, mồ hôi và nước mắt… ảnh 1

Cơ ngơi hoành tráng của "vua” rong trên vịnh Bái Tử Long bị bão Yagi phá nát

Chiếc xuồng nhỏ đưa chúng tôi rời cảng đi theo hướng đảo Phất Cờ, vịnh Bái Tử Long, khu vực của Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản lớn nhất nhì huyện Vân Đồn. Đây cũng là đại bản doanh của “vua” rong Nguyễn Sỹ Bính, người mà chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, chuyện trò mấy năm trước khi ông là người tiên phong nuôi rong sụn trên vùng biển Vân Đồn.

Mưa gió đã ngừng từ lâu, những tia nắng nhảy nhót trên mặt biển Vân Đồn trong xanh, nhưng biển Vân Đồn giờ đây chẳng còn những "cánh đồng" nuôi hàu, nuôi cá lồng bè chạy dài tít tắp sau những đảo đá, mà chỉ còn lại những mảnh bè vỡ, phao nhựa và những con tàu đắm.

Ông Bính cùng một nhóm xã viên đang lom khom buộc lại chiếc bè cũ để làm nơi trú tạm. Khi thấy xuồng, ông nhận ra ngay là xuồng của lãnh đạo xã và câu đầu tiên ông hỏi vui trước khi chúng tôi bước lên bè: “Bão qua Chủ tịch giảm mất mấy cân? Đáp lại câu hỏi dí dỏm, anh Ninh, Chủ tịch xã cũng làm bộ mặt buồn: “Bác yên tâm, dây câu cá dìa giờ buộc em cũng không đứt nổi”.

Dáng người đàn ông miền biển rắn rỏi, đậm chắc với gương mặt sương gió, da đen sạm vì cháy nắng cầm dây neo kéo xuồng chúng tôi vào sát bè. Vẫn giọng nói hào sảng như ngày nào, ông Bính không có vẻ gì là người vừa trải qua những mất mát vô cùng lớn. Ông mặc chiếc áo công nhân ướt đầm, đội chiếc mũ cối, tay lăm lăm tấm bản đồ xác định vị trí đưa cho Chủ tịch xã.

Cũng giống như những người nuôi biển Vân Đồn khác, ông Nguyễn Sỹ Bính thiệt hại rất nhiều tài sản chỉ sau vài tiếng siêu bão Yagi quần thảo. Vậy nhưng suốt buổi làm việc, ông Bính chẳng nói gì mấy đến những thiệt hại của bản thân. Ông còn khoe hôm qua vợ ông đồng ý sẽ cùng ông ra đảo phất cờ xây dựng lại cơ nghiệp.

“Dân miền biển chúng tôi khá giả lên là nhờ biển, giờ vì biển mà mất đi tất cả cũng không sao. Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó, miễn là còn người thì còn của”, ông Nguyễn Sỹ Bính, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ nói.

Trong số hơn 2 nghìn tỷ đồng mất trắng của người nuôi biển, ông Bính có lẽ là người xót xa nhất bởi không chỉ thiệt hại về vật chất mà thứ ông mất nhiều nhất chính là tinh thần. Dự án nuôi rong sụn của ông là dự án độc nhất của Quảng Ninh và đang trong thời điểm bước ngoặt để khẳng định vị trí thương hiệu. Nhưng bão Yagi đã cướp đi tất cả.

Nhìn chiếc áo của những người đàn ông miền biển ướt sũng khi cặm cụi gia cố lại nơi tránh trú, chúng tôi cũng không biết áo ướt là do sóng biển hay do những giọt mồ hôi, nước mắt. Nhưng chắc chắn trong suốt một ngày làm việc, chiếc áo ấy gió biển không thể nào hong khô. Thấm sâu trong từng thớ vải là vị mặn của biển, vị mặn của mồ hôi trộn lẫn với vị mặn chát của những giọt nước mắt.

“Yagi chỉ là phép thử!”

Ngược về vùng biển của xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên, chứng kiến cảnh hoang tàn của hàng chục nghìn bè nuôi hàu bị bão quật chất đống thành núi mới thấm được sự mất mát của ngư dân lớn đến chừng nào. Toàn bộ gần 800 bè nuôi hàu của ngư dân Quảng Yên gần như mất trắng.

Loại hàu của Quảng Yên khác với hàu của Vân Đồn vì đây là giống hàu cửa sông nên rất nhạy cảm với nhiệt độ và độ mặn của nước nhưng đem lại lợi ích kinh tế cao. Với đặc tính phải di chuyển thường xuyên để chọn vùng nước thích hợp nên hàu Quảng Yên thường đóng thành bè mảng để có thể kéo đi khi cần thiết. Còn hàu Vân Đồn sẽ nuôi thành từng dây nặng hàng chục tấn cố định một chỗ.

Cầm quả phao vừa nhặt trong đống bè gần bờ, ông Nguyễn Văn Sỹ (chủ của 10 cặp bè hàu, tương đương khoảng 1.000 tấn hàu) vẫn lạc quan chỉ tay về phía biển: “Bão đánh tan bè nhưng vẫn còn biển ở đó. Còn biển là còn nuôi hàu chứ giờ có biết làm nghề gì khác để trả nợ nữa đâu”.

Ông Sỹ có cậu con trai mới cưới vợ hồi đầu năm, tính cuối năm nay bán mẻ hàu cận Tết sẽ đủ tiền cho con xây nhà. Nếu dư ra có thể mua thêm chiếc ô tô vì cả đời ông chưa có tài sản gì giá trị ngoài mấy con hàu. Nhưng người tính không bằng trời tính. Bão đi qua, 10 cặp bè hàu của ông chỉ còn lại đống rác và một đống nợ.

“Là doanh nhân mà, sợ gì nợ. Chỉ cần cho vay là tôi vay ngay để làm lại. Chỉ có nuôi hàu mới đủ khả năng trả nợ chứ bảo đổi nghề sang chạy xe ôm chắc chạy hết đời cháu tôi cũng không trả nổi”, Ông Sỹ nói.

Ông Sỹ cũng hào hứng kể với chúng tôi về những dự định sắp tới khi ông vay mượn được tiền ông sẽ tái đầu tư, nhưng thay vì làm bằng bè tre truyền thống vừa ọp ẹp, vừa nặng nề mà không vững chãi bằng một vật liệu mới. Ông khẳng định vật liệu mới mà ông nói sẽ có giá rẻ hơn, bền hơn và an toàn với môi trường. Nhưng để tránh lộ “bí mật”, ông hẹn một ngày gần nhất sẽ gọi chúng tôi đến nhà chứng kiến vật liệu ông tự chế.

Cũng như ông Sỹ, những ngư dân nuôi biển Quảng Yên sau bão đã nhanh chóng thu gom lại những vật dụng còn dùng được và tranh thủ thu hoạch những phần hàu còn sót lại để “gỡ” vốn. Họ vẫn kiên định với nghề nuôi biển vì đây là nghề truyền thống và đem lại lợi ích kinh tế cao. Họ coi sự mất mát sau bão là phép thử với nghề, phép thử với ý chí của người dân miền biển.

“Dân miền biển chúng tôi khá giả lên là nhờ biển, giờ vì biển mà mất đi tất cả cũng không sao. Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó, miễn là còn người thì còn của”.

Biển, mồ hôi và nước mắt… ảnh 2
Ông Nguyễn Sỹ Bính, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ

Không biết những chiếc áo của người nuôi biển bị ướt là do sóng biển hay do những giọt mồ hôi, nước mắt. Nhưng chắc chắn trong suốt một ngày làm việc, chiếc áo ấy gió biển không thể nào hong khô. Thấm sâu trong từng thớ vải là vị mặn của biển, vị mặn của mồ hôi trộn lẫn với vị mặn chát của những giọt nước mắt.

MỚI - NÓNG