Tận diệt
Sau năm 2004 (khi việc “xẻ thịt” hồ Trị An làm hồ nuôi cá bị nghiêm cấm), hàng trăm hécta mặt nước gần bờ bị người dân “xí phần” dùng lưới bao che chắn. Mùa khô, khi nước rút cạn, người dân đóng cọc, quây lưới.
Ban đầu, lưới hạ thấp sát đáy, khi mực nước cao dần vào mùa mưa, khi cá trong tự nhiên vào bờ sinh sản, lưới được kéo lên cao, nhốt hết cá mẹ cá con bên trong. Khi mực nước xuống thấp vào mùa khô, chủ đăng lưới chỉ việc thu gom cá, mà không tốn tiền nuôi.
Việc đăng lưới xảy ra nhiều nhất ở xã La Ngà (huyện Định Quán), hơn 200 ha đã bị chiếm dụng. Trải dài trên mặt hồ chi chít cọc giữ lưới và chòi canh của chủ “ao nhà”.
Theo báo cáo của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa (BTTN-VH) Đồng Nai đơn vị quản lý mặt nước hồ Trị An, diện tích ven hồ Trị An ở huyện Định Quán đã bị 29 hộ chiếm dụng lên đến hơn 297 ha. Khu BTTN-VH Đồng Nai đã xử phạt hành chính 11 trường hợp vi phạm và yêu cầu tháo dỡ, nhưng những hộ vi phạm không tháo dỡ.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu BTTN-VH Đồng Nai, nói: “Đây là việc làm vi phạm quy định về bảo vệ lòng hồ, làm ảnh hưởng đến an toàn của hàng ngàn ngư dân đang đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An.
Đánh bắt cá kiểu tận diệt như vậy sẽ làm cho nhiều loài cá quý hiếm trên hồ có nguy cơ bị tuyệt chủng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo vệ đa dạng sinh học”. Đăng lưới còn khiến người dân không có chỗ vào trú những khi mưa to gió lớn.
Anh Nguyễn Niên, chuyên đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An, nói: “Ngư dân ở đây không ai ra bao chiếm hồ. Chỉ có những người có tiền và thế lực mới đủ điều kiện đầu tư như vậy. Những hôm thời tiết xấu, ngư dân chỉ đánh bắt thủy sản ven bờ, nhưng vùng nước ven bờ đã bị chiếm dụng”.
Khó xử
Trước việc lòng hồ Trị An bị bao chiếm trái phép, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản giao UBND huyện Định Quán và Khu BTTN-VH Đồng Nai phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm trước ngày 25/7. Sau khi kiểm tra thực tế, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu huyện Định Quán thực hiện việc tháo dỡ các đăng chắn trái phép trước ngày 15/9.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN- VH Đồng Nai, cho biết sau khi lập biên bản xử phạt hành chính, số tịch thu các ngư cụ, thiết bị vi phạm. Tuy nhiên, khi lực lượng kiểm lâm thu lưới đăng chắn trái phép, các hộ dân chống đối quyết liệt.
Bà Nguyễn Thị Thanh Yên, Chủ tịch UBND huyện Định Quán, khẳng định, cương quyết yêu cầu các hộ vi phạm tự tháo dỡ. Một số vướng mắc cần phải được các ngành phối hợp giải quyết. Theo UBND huyện Định Quán, việc các hộ dân vi phạm đã được Hạt Kiểm lâm Khu BTTN-VH Đồng Nai xử phạt hành chính, nên việc thực hiện cưỡng chế không thuộc trách nhiệm của UBND huyện.
Cơ quan này đề xuất UBND tỉnh giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế. UBND huyện sẽ phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, theo Hạt Kiểm lâm Khu BTTN- VH Đồng Nai, Khu BTTN-VH là đơn vị quản lý Hạt này, nhưng không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, còn Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ là đơn vị hướng dẫn nghiệp vụ.