Biến động “đẹp” của tiền đồng

Tiền đồng biến động theo cách riêng. Ảnh: TL
Tiền đồng biến động theo cách riêng. Ảnh: TL
Trong vòng 4 ngày, tiền đồng tăng giá gần 4% so với đồng yen Nhật (từ 218 đồng/yen về 210 đồng/yen), gần 3,5% so với đồng euro (từ 25.200 về 24.300 đồng/euro) và giá vàng trong nước mất 4%. Giá vàng bán ra cuối tuần được các ngân hàng niêm yết quanh mức 35,7 triệu đồng/lượng, trong khi ngay trước khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, có thời điểm nhảy lên 37,2 triệu đồng.

Biến động của tiền đồng so với các ngoại tệ mạnh khác (trừ đô la Mỹ) và giá vàng đang bám sát xu hướng của thế giới, nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ “nhảy nhót” của thị trường tài chính quốc tế, nơi đồng yen giảm giá tới 6,7% chỉ trong chưa đầy 100 giờ đồng hồ (từ hơn 100 yen/đô la Mỹ xuống 106.7 yen/đô la Mỹ), đồng euro cùng thời gian trên mất 4,5,% giá trị (từ 1,13 đô la Mỹ/euro xuống 1,08 đô la Mỹ/euro) và thứ kim loại quí hiếm mang tên vàng đã bớt lấp lánh khi rơi từ trên 1.300 đô la Mỹ/ounce về 1.227 đô la Mỹ/ounce.

Thị trường tài chính thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tiền tệ biến động kỳ lạ. Trước bầu cử Mỹ, giới chuyên gia và các nhà kinh doanh trên phố Wall dự báo giá vàng có thể cán mức 1.500 đô la Mỹ/ounce, đồng bạc xanh mất giá nếu ông Donald Trump đắc cử. Ngược lại nếu bà Clinton chiến thắng, đô la Mỹ sẽ lên giá so với mọi đồng tiền chủ chốt của các quốc gia G-7.

Dự báo trên đã gần như thành hiện thực cho đến sát thời điểm có kết quả bầu cử. Tuy nhiên sau đấy mọi thứ bỗng đảo lộn. Đồng bạc xanh cứ lên giá vù vù, chứng khoán Mỹ cũng “phi như điên” khi Dow Jones đạt mức cao nhất mọi thời đại ở 18.847 điểm, còn giá vàng tuột dốc không phanh. Quy luật thông thường khi một đồng tiền mạnh lên, giá trị các tài sản rủi ro như chứng khoán đi xuống đã tạm thời không còn đúng. Đô la Mỹ lên giá, chứng khoán Mỹ tăng điểm luôn!       

Tiền đồng Việt Nam biến động theo cách riêng của nó và phải thừa nhận là nó biến động “đẹp”. Tuần trước và cả tháng qua, tỷ giá hối đoái quanh quẩn ở 22.360-22.370 đồng/đô la Mỹ. Còn tính từ đầu tháng 9 đến nay, tỷ giá dao động trong biên độ rất hẹp từ 22.330 lên 22.360 đồng/đô la Mỹ, tức mất giá 0,13%. Trong khi cùng thời gian, tỷ giá tham chiếu do Ngân hàng Nhà nước công bố đã tăng 0,62% (tức đô la Mỹ lên giá 0,62% so với tiền đồng) và 0,76% nếu tính từ đầu năm. Tỷ giá mua bán của các tổ chức tín dụng và cả thị trường tự do gần như bất động và lên xuống khá thụ động so với tỷ giá tham chiếu, chứng tỏ nguồn cung vẫn dồi dào.

Điểm khác biệt lớn nhất là đồng Việt Nam đã kiên trì bám theo đường chạy riêng, dường như không bị tác động của đồng nhân dân tệ. Từ đầu năm đến nay đồng tệ đã mất 4,6% giá trị so với đô la Mỹ (từ 6,5 tệ/đô la Mỹ xuống 6,81 tệ/đô la Mỹ) - mức mất giá lớn nhất của một năm trong vòng gần 30 năm qua. Tuy vậy, tiền đồng chỉ mất giá 0,76% so với đô la Mỹ.

Với khoảng 40 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại hối không kể vàng, Nhà nước đang nắm thế chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ.

Theo Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.