Biến da người thành bảng cảm ứng điều khiển điện thoại di động

Tấm cảm ứng iSkin dễ dàng dán lên da người và biến nó thành bề mặt để điều khiển các thiết bị di động - Ảnh: Reuters
Tấm cảm ứng iSkin dễ dàng dán lên da người và biến nó thành bề mặt để điều khiển các thiết bị di động - Ảnh: Reuters
Các nhà nghiên cứu Đức vừa phát triển tấm cảm ứng có tên gọi iSkin có thể dán vào da người để biến nó thành bề mặt để điều khiển các thiết bị di động như smartphone hoặc đồng hồ thông minh.

Hãng tin Reuters cho biết iSkin được sáng chế bởi các nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu tin học Max Planck và Đại học Saarland ở Đức.

Tấm cảm ứng này có thể được tạo ra với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, cho phép người sử dụng dùng chính cơ thể của mình như là bộ điều khiển các thiết bị di động.

Chất liệu chính sử dụng cho iSkin là polydimethylsiloxane, một hợp chất polymer trong suốt điều chế từ silicon. Đầu tiên, bột carbon đen (có khả năng dẫn điện) được trộn vào polydimethylsiloxane và sau đó chúng được dát mỏng ra thành một tấm màng. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu tạo các mẫu hình giống như hình xăm trên máy tính và áp lên tấm màng.

Máy cắt laser sẽ cắt tấm màng theo mẫu hình. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đặt tấm màng đã được cắt vào giữa hai tấm silicon trong suốt và ép lại để tạo ra tấm cảm ứng iSkin.

Nhà nghiên cứu Martin Weigel cho biết các hạt carbon bên trong tấm cảm ứng iSkin có khả năng dẫn điện nên có thể sử dụng iSkin để điều khiển các thiết bị điện tử.

Tấm cảm ứng iSkin sẽ được dán vào da người bằng chất dính y khoa (có thể dễ dàng dán và lột ra mà không gây tổn thương cho da). Tấm cảm ứng iSkin này có thể cảm nhận được lực ấn cho dù nó bị kéo dãn ra hay uốn cong. Người sử dụng mang các mẫu thử nghiệm iSkin có thể sử dụng chúng để trả lời cuộc gọi, chơi nhạc hay điều chỉnh âm lượng.

Hiện tại để điều khiển được các thiết bị di động, các tấm cảm ứng iSkin dán trên da phải kết nối với máy tính bằng các dây điện nhỏ. Trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu sẽ phát triển tấm cảm ứng iSkin cho phép chúng có thể kết nối với các thiết bị điện tử thông qua hình thức kết nối không dây như bluetooth hoặc thông qua wifi. Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng có thể sử dụng nhiệt của cơ thể người để cung cấp năng lượng cho các tấm cảm ứng iSkin.

Nhà nghiên cứu Martin Weigel cho biết các thiết bị điều khiển thiết bị di động hiện nay sử dụng các bộ phận cứng nên rất bất tiện khi đeo chúng trên cơ thể và chỉ đeo được ở một số nơi hạn chế trên cơ thể, chẳng hạn chỉ đeo được ở cổ tay và trên đầu.

Trong khi đó, các tấm cảm ứng iSkin có khả năng co dãn nên có thể dán chúng nhiều nơi trên cơ thể, chẳng hạn ngón tay, cẳng tay hay mặt sau của lỗ tai.

Để sáng chế ra iSkin, các nhà nghiên cứu đã dựa vào công nghệ "da điện tử" được sử dụng cho robot để cảm nhận tốt hơn môi trường xung quanh cũng như được sử dụng để giúp các bộ phận giả (chẳng hạn chân tay giả) của con người cảm nhận được áp lực và nhiệt độ.

Theo Theo Công an TPHCM
MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Dự án có hàng trăm đất nền bán 'ưu ái' cho cán bộ; Hải Phòng có thêm KCN 3.550 tỷ đồng
Địa ốc 24H: Dự án có hàng trăm đất nền bán 'ưu ái' cho cán bộ; Hải Phòng có thêm KCN 3.550 tỷ đồng
TPO - Khu đô thị lấn biển bỏ hoang 'mọc' hàng loạt nhà trái phép; Chuyển cơ quan điều tra dự án hàng trăm đất nền bán 'ưu ái' cho cán bộ; Hải Phòng có thêm khu công nghiệp 3.550 tỷ đồng; Cảnh hoang tàn khu nhà ở Đại Nam trên ‘đất vàng’;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 6/1.