Điều trị bệnh nhân nặng tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư Ảnh: Thái Hà |
Bộ Y tế thông tin, thời gian tới, nguy cơ tiếp tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng là rất lớn. Tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron, đều là các ca được cách li ngay sau khi nhập cảnh tại 6 tỉnh, thành phố.
Ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện tại nước ta đã được ra viện sau 2 tuần theo dõi sức khỏe. Trường hợp này không có triệu chứng lâm sàng. Ca nhiễm Omicron tại Hải Dương cũng đã xuất viện. Đặc biệt 14 ca nhiễm biến chủng Omicron tại Quảng Nam đều không có triệu chứng lâm sàng. Các ca tại TPHCM sức khỏe ổn định, đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế đồng ý đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng kí lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir có chỉ định điều trị COVID-19.
TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các ca nhiễm Omicron tại Việt Nam đều là người đã tiêm vắc xin.
“Bình thường người đã tiêm vẫn có thể nhiễm bệnh nhưng chủ yếu ở thể nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Điều này cũng tương tự ở các nước khác như Mỹ, Nhật...”, TS Thái nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định cuộc chiến phòng COVID-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong bối cảnh biến chủng Omicron có thể xâm nhập và lây lan nhanh, Bộ Y tế đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống biến chủng Omicron; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn. Đồng thời nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ.
Tăng cường giám sát, quản lí các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, lưu ý kiểm tra điều kiện lưu trú của các trường hợp này nhằm đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định; tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, xử lí kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng….
Giảm tối đa các trường hợp tử vong
Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế lưu ý phải điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao cần cảnh giác. Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế; bảo đảm đủ ô xy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.
Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; rà soát, tiêm vét cho tất cả các đối tượng nguy cơ cao, người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, đảm bảo an toàn, hiệu quả; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác của người dân trước biến chủng Omicron, không tụ tập đông người khi không cần thiết, thực hiện nghiêm 5K, tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đặc biệt những người nhập cảnh và gia đình phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, không ra khỏi nơi lưu trú, xét nghiệm SARS-CoV-2 khi mới nhập cảnh theo quy định.