Bia ngoại ồ ạt tấn công thị trường Việt

Bia nhập qua đường chính ngạch, tiểu ngạch hoặc đi lậu qua đường biên giới... đang ồ ạt tràn vào để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao nhất nhì khu vực.

Anh Hoàng, ở quận 2, TP HCM gần đây rất hồ hởi khi tới siêu thị vì phát hiện có rất nhiều loại bia nhập khẩu. “Trước đây, nếu vào những ngày lễ hoặc gia đình tụ họp muốn uống bia nhập khẩu chúng tôi phải ra các đại lý chuyên phân phối hàng này mới mua được, thì nay trong siêu thị gần như không thiếu thứ gì”, anh Hoàng chia sẻ.

Chủ quán nhậu ở phường Bến Thành (quận 1) cũng cho biết hiện nay để lấy bia nhập khẩu về bán tại quán không còn khó khăn như trước. “Nếu trước đây phải ra đại lý bia chuyên nhập khẩu đặt hàng thì nay chỉ cần một cuộc điện thoại là có thể thỏa thuận giá cả và sản phẩm nhanh chóng”, chủ quán này nói. Còn chủ một Beer Club cũng ở quận 1 cho biết, ở đây anh bán 120 loại bia khác nhau, trong đó nhãn bia nội chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cũng chính từ những nhu cầu trên mà hiện nay trên thị trường Việt Nam số chủng loại bia nhập khẩu còn đa dạng hơn nhiều so với các nhà sản xuất trong nước.

Khảo sát của VnExpress.net tại các hệ thống siêu thị và đại lý ở TP HCM cho thấy, hiện có khoảng trên 20 loại bia nhập khẩu của nhiều hãng khác nhau.

Bia ngoại ồ ạt tấn công thị trường Việt ảnh 1

Hơn chục loại bia ngoại được bày bán tại siêu thị. Ảnh: VnExpress

Tại gian hàng trưng bày bia ở hệ thống siêu thị Big C (quận 2), số lượng bia nhập khẩu chiếm hai phần ba vị trí kệ và được trưng bày khá bắt mắt với đủ nhãn hiệu nổi tiếng như Asahi của Nhật, Corona của Mexico, Oettinger và Bitburger của Đức, Royal Dutch của Hà Lan… Giá các loại bia này dao động quanh mức 20.000-40.000 đồng một chai hoặc lon, cao hơn so với các bia sản xuất trong nước 2-4 lần.

Nhân viên tại Big C quận 2 cho hay, bia sản xuất trong nước vẫn được tiêu thụ nhiều hơn, nhưng thị phần bia ngoại cũng đang tăng rất nhanh.

“Bia nhập khẩu phải chịu thuế và phí cao nên giá bán ra luôn đắt hơn bia nội. Nếu trước đây chỉ có những gia đình có mức thu nhập cao mới sử dụng, thì gần đây, sản phẩm cạnh tranh, giá tốt hơn nên những người có mức thu nhập trung bình cũng đã để ý nhiều hơn đến nhóm hàng này”, nhân viên Big C cho biết.

Không chỉ tại Big C mà tại Maximart, sản phẩm bia ngoại cũng được bày bán rộng rãi với cả chục loại đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Riêng tại Co.opmart hiếm khi bán bia nhập khẩu thì nay cũng đã thử nghiệm mặt hàng Budweiser.

Các đại lý bia nhập khẩu hiện nay cũng tích cực rao hàng trên mạng. Nhiều đại lý không chỉ đăng thông tin về sản phẩm bia trên website của mình mà còn quảng bá trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Đại lý bia nhập khẩu tại quận Bình Thạnh cho biết, đơn vị này đang cung cấp hơn 20 loại bia nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Không chỉ cung cấp chai, mà bom bia cũng được công ty bán rộng rãi.

“So với các thương hiệu bia sản xuất trong nước, bia ngoại nhập không đếm xuể. Heineken dù sản xuất trong nước với lượng lớn nhưng vẫn có rất nhiều loại của thương hiệu này được nhập về và được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt như loại bom 5 lít, hay sản phẩm sản xuất ở Pháp, Hà Lan…”, chủ đại lý này cho biết.

Còn đại lý ở quận Phú Nhuận thì chia sẻ, bia ngoại nhập có doanh thu khá khiêm tốn so với bia trong nước, tuy nhiên, lợi nhuận của phân khúc này không hề thua kém. Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết bia ngoại nhập được nhiều khách hàng ưa chuộng dùng làm quà biếu.

Bia ngoại ồ ạt tấn công thị trường Việt ảnh 2

Sản phẩm này rất hay hết hàng vì người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: VnExpress

Đại diện Công ty TNHH nhà máy bia Việt Nam, đơn vị sở hữu các nhãn hiệu Heineken, Tiger, Biere-Larue... cho biết, các sản phẩm này đều có nhà máy trong nước sản xuất. Tuy nhiên, để đa dạng hóa sản phẩm, đầu tháng 8, đơn vị đã đưa dòng sản phẩm Desperados của Mexico vào Việt Nam. Đây là sản phẩm được nhập khẩu từ châu Âu và được phân phối tại TP HCM.

Chia sẻ với VnExpress.net, lãnh đạo một doanh nghiệp nhập khẩu bia, có hàng chục cửa hàng miễn thuế ở các cửa khẩu cho biết, năm 2013 đơn vị của ông nhập bằng đường tiểu ngạch trên một triệu lít. Tuy nhiên, ông cho rằng con số này còn quá nhỏ so với 11 triệu lít mà nhiều đơn vị khác nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau.

Ông cũng cho biết, giá bia nhập qua đường tiểu ngạch tương đối rẻ, có những chai giá gốc chỉ 6.000-10.000 đồng nhưng khi vào Việt Nam được đẩy lên khoảng 15.000-30.000 đồng tùy loại. Tại doanh nghiệp của ông, bia bom của Heineken là sản phẩm được bán chạy nhất.

Tại khu vực miền Nam, đặc biệt ở Tây Ninh, 5 tháng đầu năm cơ quan chức năng đã xử lý 26 vụ, tịch thu 7.260 lon bia các loại. Tuy nhiên, đây chỉ là con số khiêm tốn, trên thực tế, số hàng lậu vận chuyển qua biên giới lớn hơn rất nhiều lần.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng bia nhập khẩu theo đường chính ngạch vào Việt Nam lại có xu hướng giảm nhẹ. 2013 chỉ đạt 3,59 triệu lít, trong khi đó 2012 tới 4,1 triệu lít. Thế nhưng trên thực tế, thống kê của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) lại cho biết, năm 2013 sản lượng sản xuất bia toàn ngành đạt 2,9 tỷ lít, trong khi đó, sản lượng tiêu thụ trên 3 tỷ lít. Như vậy sản lượng bia sản xuất trong nước không đủ cung ứng ra thị trường. Điều này chứng tỏ, lượng bia nhập khẩu cách xa hoàn toàn con số 3,59 triệu lít được công bố chính thức.

Đánh giá về thị trường bia nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia-rượu-nước giải khát Việt Nam cho rằng, bia ngoại qua đường tiểu ngạch và lậu vẫn còn nhập nhèm và khó kiểm soát. Hiện nay dọc các biên giới của Việt Nam, đặc biệt là cửa khẩu Lao Bảo nhiều nhà hàng, quán bar được xây dựng nhan nhản. Qua đó, các sản phẩm bia từ nước ngoài cũng được đưa lậu qua đường này rất khó kiểm soát. Con số thống kê của Tổng cục Hải quan chỉ là một phần nhỏ đi qua đường chính ngạch. Do vậy, nếu không quản lý chặt, bia nhập lậu sẽ phá hỏng thị trường.

Sắp tới, Việt Nam ngày càng hội nhập, tham gia vào TPP, thị trường sẽ mở cửa, thuế nhập khẩu bia từ 35% sẽ giảm dần dần xuống 0%, vì vậy tương lai bia ngoại vào thị trường sẽ càng gia tăng.

Theo Hồng Châu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG