”Nếu họ đe dọa chúng tôi bằng việc thực thi các biện pháp trừng phạt, thì tất nhiên chúng tôi sẽ trả đũa”, ông Erdogan nói. “Chúng tôi sẽ đóng cửa Incirlik nếu cần thiết.”
Ngoài căn cứ Không quân Incirlik (Adana), trạm radar Kurecik ở tỉnh Malatya (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng có thể bị đóng cửa nếu Washington tiếp tục mạnh tay với Ankara, ông Erdogan nhấn mạnh.
Theo RT, căn cứ Kurecik là nơi quân đội Mỹ lắp đặt một radar cảnh báo sớm. Thiết bị này có vai trò chiến lược trong mạng lưới phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO.
Những lời đe dọa của ông Erdogan được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu có những tuyên bố úp mở tương tự.
Được biết, mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ vốn căng thẳng sau vụ Ankara mua S-400 Nga, và đã tiếp tục chuyển biến xấu hồi tháng 10, khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria nhằm vào lực lượng dân quân người Kurd - đồng minh của Mỹ.
Các thượng nghị sĩ Mỹ hôm thứ Tư tuần trước lên tiếng ủng hộ dự luật cho phép Washington trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ S-400 và chiến dịch ở Syria.
Tuyên bố mới nhất của ông Erdogan đã một lần nữa đưa căn cứ Incirlik trở thành tâm điểm sau cuộc đảo chính hồi tháng 7/2016.
Trước đó, khi cuộc đảo chính chống lại ông Erdogan thất bại, hàng ngàn cảnh sát vũ trang cùng xe bọc thép đã bao vây căn cứ Incirlik, giữa những tin đồn về một nỗ lực đảo chính mới. Chính quyền sau đó giải thích đây chỉ là một cuộc kiểm tra an ninh thông thường trước chuyến thăm quân sự cấp cao của Mỹ.
Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính, một số quan chức quân sự hàng đầu tại Incirlik đã bị bắt vì tội phản quốc. Giới chức trách tuyên bố một máy bay chiến đấu F-16 tham gia cuộc nổi dậy đã được tiếp nhiên liệu ở căn cứ này.
Một năm sau đó, Quốc hội Đức bỏ phiếu đồng ý chuyển quân đội nước này đang đóng quân tại Incirlik sang Jordan, sau khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép các quan chức Đức đến thăm căn cứ.
Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra nhằm đáp trả việc Berlin đồng ý cho tị nạn một số công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi từng tham gia cuộc đảo chính năm 2016.
Incirlik là một trong sáu địa điểm lưu trữ đầu đạn hạt nhân của Mỹ ở châu Âu, với khoảng 90 đầu đạn. Căn cứ cũng được sử dụng rất nhiều bởi các lực lượng liên minh trong chiến dịch ném bom do Mỹ dẫn đầu ở Syria và Iraq.