Ngày 25/11, người nhà bệnh nhân P.T.T.P (SN 1966, Kiên Giang) lên facebook tố bệnh viện Chợ Rẫy tác trách trong việc phẫu thuật cho bệnh nhân P.
Theo đó, bà P bị đau thượng vị đi nên đi khám ở bệnh viện Kiên Giang, phát hiện sỏi túi mật. Sau khi lên bệnh viện Chợ Rẫy khám kiểm tra được chẩn đoán sỏi túi mật, nên đã về Kiên Giang xin giấy chuyển viện lên Chợ Rẫy.
Tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân P được chỉ định phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi. Bệnh nhân tiến hành phẫu thuật ngày 21/11. Sau khi hậu phẫu, bệnh nhân cho biết tỉnh và đau suốt cuộc mổ. Đến ngày 26/11, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không đau bụng hay vết mổ, ăn cháo biết ngon. Siêu âm bụng không thấy bất thường.
Tuy nhiên, sau đó người nhà của bệnh nhân P đã lên Facebook tố cáo bệnh viện Chợ Rẫy tắc trách trong quá trình mổ, khiến bà P đau đớn vì bị mổ sống.
Cũng theo thông tin trên Facebook, người nhà bệnh nhân P cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy đã gặp gỡ gia đình, và bệnh viện muốn xin lỗi bà P vì làm bà đau, ảnh hưởng tâm lý; Bệnh viện hỗ trợ toàn bộ viện phí ca mổ; bệnh viện chịu trách nhiệm toàn bộ về vấn đề sức khỏe của bà P sau hậu phẫu và các vấn đề về tâm lý.
Tuy nhiên người nhà bệnh nhân P yêu cầu bệnh viện Chợ Rẫy phải bồi thường cho bệnh nhân chứ không đồng ý hỗ trợ.
Theo nội dung phảm ánh trên facebook cá nhân về trường hợp phẫu thuật cho bệnh nhân P.T.T.P, ngày 26/11, bệnh viện Chợ Rẫy đã họp hội đồng chuyên môn đánh giá về quy trình gây mê và phẫu thuật cho bệnh này và kết luận: Cho đến hiện nay (ngày thứ 5 sau mổ), bệnh nhân có các chỉ số sinh tồn bình thường trên lâm sàng, bệnh nhân được đánh giá có thể xuất viện. Như vậy đây là một ca mổ thành công, không tai biến trong và sau mổ, đúng quy trình, đã được hoàn thành tốt đẹp.
Theo bệnh viện Chợ Rẫy, việc nhân viên làm đổ vỡ lọ thuốc cầm máu (thuốc Cyclonamin, giá 24.000 đồng) là một sự cố nhỏ, không liên quan đến quy trình gây mê phẫu thuật cho bệnh nhân. Vì theo quy định của bệnh viện, do là sự cố không cố ý nên nhân viên phòng mổ chỉ phải giữ lại vỏ lọ thuốc, báo cáo cho khoa đổi lại lọ thuốc khác và tiếp tục làm việc bình thường, không phải chịu trách nhiệm về chi phí của lọ thuốc.
Khẳng định của kíp bác sĩ và điều dưỡng gây mê là bệnh nhân đã được tiến hành gây mê cân bằng gồm giai đoạn tiền mê (chích thuốc probofol), sau đó gây mê bằng khí mê duy trì. Việc tiền mê bằng thuốc truyền tĩnh mạch có thể gây cảm giác đau cho bệnh nhân kéo dài hay thoáng qua tuy theo tốc độ và thời gian truyền thuốc.
“Trong quá trình gây mê và tiến hành phẫu thuật, vì đây là phẫu thuật nội soi ổ bụng có bơm hơi căng chướng bụng và giãn cơ chủ động nên việc cho rằng “mổ sống” là không thể, điều này được thể hiện qua các bảng dấu hiệu sinh tồn và lâm sàng của bác sĩ gây mê là luôn duy trì ở mức bình thường, không có biến đổi (nếu không) bơm hơi thì bụng sẽ xẹp và phẫu thuật viên không thao tác được dụng cụ phẫu thuật” – Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.
Việc tiến hành gây mê được thực hiện bởi các bác sĩ, điều dưỡng gây mê chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực hiện gây mê nhiều năm, liều lượng thuốc khởi mê, trong khi phẫu thuật và hậu phẫu là thích hợp. Tại hậu phẫu, tình trạng bệnh nhân được ghi nhận trong hồ sơ bệnh án là còn trong tình trạng mê. Quá trình theo dõi hậu phẫu và cho đến hiện nay không có gì bất thường.
Theo kinh nghiệm lâm sàng và y văn, ngưỡng chịu đau, ngưỡng đáp ứng với thuốc mê, mức độ mê sâu của người bệnh có khác nhau tùy theo từng cơ địa. Theo chuyên gia phẫu thuật GS.Nguyễn Tấn Cường chỉ gây mê đạt được độ mê thì mới có thể tiến hành các thao tác phẫu thuật bằng nội soi một cách hiệu quả. Nếu không đạt được độ mê thì phẫu thuật viên không thể thao tác dụng cụ trong ổ bụng của bệnh nhân, nếu vẫn tiến hành thì cuộc mổ chỉ có thể được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề cao và thời gian phẫu thuật sẽ kéo dài 4-5 lần so với cuộc mổ bình thường.
Việc đau của bệnh nhân được ghi nhận nhưng có thể khẳng định là không phải bệnh nhân hoàn toàn tỉnh trong toàn bộ cuộc mổ. Trên thực tế lâm sàng, việc bệnh nhân có thể biết vẫn có thể xảy ra nhưng chỉ trong giai đoạn tiền mê, giai đoạn hồi tỉnh, phù hợp với các ghi nhận và khuyến cáo thông thường trong Y văn. Còn khi cuộc mổ chính thức bắt đầu thì bệnh nhân không thể biết và đặc biệt còn được giảm đau, giảm âu lo do tác dụng của thuốc gây mê.
Cũng theo bệnh viện Chợ Rẫy, quy trình cho một cuộc gây mê và theo dõi hậu phẫu đã được phê duyệt và trở thành thường quy trong việc điều trị phẫu thuật cần gây mê cho các chuyên khoa do Bộ Y tế quy định và áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Việc phẫu thuật viên có lời xin lỗi đến bệnh nhân và người nhà là một việc làm tốt thể hiện sự quan tâm, đạo đức của người phẫu thuật viên đã thấm nhuần phương châm phục vụ bệnh nhân của bệnh viện là luôn làm hài lòng người bệnh, khi người bệnh chưa hài lòng thì phải xin lỗi trước, rút kinh nghiệm đúng – sai sẽ thực hiện sau – Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.