Chiều 5/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với huyện Gia Lâm. Thay mặt Huyện ủy báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết, năm 2020, Gia Lâm đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được thành phố giao. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 8,67%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.501,4 tỷ đồng, bằng 152,3% dự toán, vượt kế hoạch thành phố giao.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trò chuyện với người dân, tiểu thương ở Bát Tràng. Ảnh: PV
Thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị, đến nay, huyện Gia Lâm đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã hoàn thiện hồ sơ trình thành phố quyết định công nhận nông thôn mới nâng cao; 1 xã triển khai kế hoạch nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với tiêu chuẩn thành quận, huyện đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Cân đối thu ngân sách, cơ sở y tế cấp đô thị, mật độ đường giao thông đô thị.
Để phấn đấu hết năm 2023 huyện đáp ứng đủ tiêu chuẩn thành lập quận, huyện Gia Lâm kiến nghị Thành ủy quan tâm, chỉ đạo 4 lĩnh vực: Quy hoạch; đầu tư; quản lý đô thị và phân cấp. Đáng chú ý, huyện kiến nghị thành phố chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trên địa bàn huyện; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch vùng của huyện; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí thành lập quận, phường giai đoạn 2021-2025.
Huyện cũng kiến nghị thành phố chấp thuận chủ trương giao UBND huyện nghiên cứu, xây dựng phương án tổng thể đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải phân tán trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách huyện.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thăm quan làng nghề Bát Tràng. Ảnh: PV
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong số 5 huyện đang có đề án xây dựng thành quận, Gia Lâm từ chỗ có lợi thế, thuận lợi lớn nhất, đến nay lại trở thành đơn vị khó khăn nhất, vì khu vực dự kiến phát triển đô thị mới chỉ chiếm 55%, 45% vẫn chiếm tới 45%.
Ông Tuấn đồng tình với các kiến nghị của huyện Gia Lâm về công tác quy hoạch trên địa bàn huyện. Theo ông Tuấn, hiện thành phố, các đơn vị liên quan đang phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh Thường trực Thành ủy đã cơ bản thống nhất nội dung đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống. Theo lộ trình, thành phố sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, làm việc với các bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT để hoàn thiện, dự kiến sẽ ký ban hành khoảng tháng 6/2021 vì hai quy hoạch này là nguồn lực rất lớn để huyện phát triển.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng phải giải bài toán hài hòa lợi ích, phát triển bền vững, chú ý đến đời sống, sinh kế của người dân. Nông nghiệp phải là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái trong lòng đô thị.
Ông Huệ cho rằng, huyện đang trong quá trình phát triển lên quận, cần phải gắn liền với qúa trình đô thị hóa. Cần phải tính toán kỹ lưỡng, chú ý đến không gian ngầm, không gian trên cao. Phát triển đô thị phải gắn với kinh tế đô thị ngay từ đầu. “Đừng để chúng ta xây dựng quận mới mà sau này giải quyết vấn đề quy hoạch, giải quyết các vấn đề trầm kha của phố cổ, phố cũ”, ông Huệ nói.
Ông Huệ gợi ý, Gia Lâm nên phát triển trên nền tảng văn hóa. Là địa phương có truyền thống, bề dày văn hóa, lịch sử thì phải lấy động lực là văn hóa để phát triển bền vững. Tập trung hướng đi vào phát triển các ngành nghề như du lịch gắn với làng nghề, gắn với sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, quan tâm thiết chế hạ tầng sản xuất.
“Huyện lên quận thì cán bộ cũng phải thay đổi từ tư duy, tầm nhìn”, ông Huệ nêu.
Bí thư Hà Nội cũng lưu ý huyện cần khắc phục những gì còn yếu kém, tồn tại như việc trước đây tình trạng khai thác cát quá mức ở sông Đuống, lấn chiếm đê Yên Viên; ô nhiễm môi trường khu vực sông, hồ…