Bí thư Hà Nội: Cán bộ vẫn ngồi trong phòng, không đi ra đường

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
TPO - “Rõ ràng vẫn có tình trạng buông lỏng quản lý, cán bộ quận, huyện, xã, phường ngồi trong phòng, không phân công đi kiểm tra, nhắc nhở, coi đấy là việc của người khác”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.

Sáng 23/6, Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với các sở, ban, ngành, quận huyện

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, tình trạng môi trường Hà Nội đang là vấn đề cấp bách và đáng báo động, cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân cùng tham gia.

“Vụ hành hung nữ công nhân môi trường phải làm nghiêm. Xây dựng nếp văn hóa văn minh, môi trường, không phải rác nhà mình đẩy hết ra đường. Trước hết hệ thống Đảng, chính quyền phải làm gương, nếu không chỉ sạch được vài hôm rồi phong trào, lại đâu vào đấy, vì nếp văn hóa đó không đi vào người dân và chính cán bộ”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, Thành ủy đã ra Nghị quyết về môi trường để tập trung nguồn lực và quyết tâm cải thiện. Chỉ số API (ô nhiễm môi trường) 3 tháng đầu năm 2017 là 123, nằm trong phạm vi cảnh báo. Nồng độ bụi PM2.5 gấp 2 lần tiêu chuẩn quốc gia. Trong nồng độ bụi, 50% là cacbon và benzen.

Phương tiện giao thông đóng góp 70-90% còn 10-30% từ các khu công nghiệp, công trình xây dựng. Số khu công nghiệp ngày càng tăng, đóng góp nhiều hơn vào ô nhiễm. Nếu không quản lý ngay từ đầu, không quyết liệt thì thế hệ sau phải gánh.

Bên cạnh đó, thành phố cũng có 50 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, Thành ủy cũng đã thông qua đề án cải tạo, chủ yếu nguồn vốn xã hội hóa. Về vấn đề xử lý nước thải, thành phố đã kêu gọi vốn xã hội hóa nhưng mới chỉ đạt 22%. “Thách thức môi trường với người dân Hà Nội rất lớn”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, nhu cầu vốn để cải thiện môi trường của thành phố rất lớn, như việc làm sống lại các dòng sông, hồ chứa ở Hà Nội cần hàng nghìn tỷ đồng. Nếu không kiên quyết, không có trách nhiệm sẽ không làm được.

Để Nghị quyết về môi trường đi vào cuộc sống, đảm bảo mục tiêu Hà Nội là nơi đáng sống cho người dân Thủ đô và các nơi khác, ông Hải đề nghị các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung nhiệm vụ chủ yếu bảo vệ môi trường nước mặt, bền vững tài nguyên nước đồng thời tiếp tục quản lý tốt các nguồn xả thải.

“Làm sạch các dòng sông bằng cách đưa nước sông Hồng, sông Đà vào, nhưng quan trọng hơn là kiểm soát các nguồn xả thải. Tôi thấy tình trạng té nước theo mưa, hàng chục nơi cứ mưa là thi nhau xả thải. Khi vụ hồ Tây xảy ra, chúng ta đã kiên quyết ngăn chặn các nơi xả thải, yêu cầu thu gom về nhà máy xử lý nước, làm mấy tháng là đạt mục tiêu”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng lưu ý việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, tới đây thành phố sẽ trình HĐND dự thảo Nghị quyết về quản lý phương tiện cá nhân.

“Hiện thành phố có 5,2 triệu xe máy và 450.000 ô tô, đến 2020 lên tới 6,5 triệu xe máy và 600-700.000 ô tô. Khả năng môi trường không gánh chịu nổi ô nhiễm, chưa nói đến tiếng ồn. Môi trường nước, không khí cũng bị thách thức, làm sao phải đảm bảo được người dân mạnh khỏe”, ông Hải nói.

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị, ông Hải cho biết, thời gian qua với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, công tác này đã có chuyển biến tích cực. Ban chỉ đạo 197 của thành phố cũng đã vào cuộc hết sức tích cực, thành lập 5 đoàn đi kiểm tra, có nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy vậy, có những tồn tại thấy rõ.

“Vẫn có tình trạng buông lỏng quản lý, vẫn có tình trạng cán bộ quận, huyện, xã, phường ngồi trong phòng không đi kiểm tra. Tôi đã nói rồi, mỗi xã, phường phân công nhau chỉ vài tuyến phố thôi. Không phân công để đi kiểm tra, để đi nhắc nhở, coi đấy là việc của ai. Tôi làm xong việc rồi thế là tôi về nhà tôi ngồi. Còn lại ngày hôm sau nó bày tiếp ra, vi phạm vỉa hè, không ai nhắc, coi như không phải việc của mình”, ông Hải nói. Ông Hải lưu ý các đoàn kiểm tra của thành phố, của các quận chưa thấy đề xuất kỷ luật ai, như thế là không được.

“Các đồng chí muốn vấn đề về văn minh đô thị thành nề nếp, thành nếp văn hóa thì phải kiên quyết xử lý, nếu không hôm sau lại đầu voi đuôi chuột. Rồi đến mấy năm nữa lại đợi Bí thư mới về làm phong trào mới. Tôi nói những việc ấy là đau lắm. Ngay ở Thủ đô không thể chấp nhận được. Phải kiên quyết làm”, ông Hải nhấn mạnh. 

MỚI - NÓNG