Hơn 80 tỷ đồng tiền gì?
Mới đây, Tập đoàn FLC đã có công văn gửi Tỉnh ủy Quảng Ngãi, UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các Khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi, đề nghị hoàn trả số tiền hơn 80 tỷ đồng mà nhà đầu tư đã chi để thực hiện các dự án tại địa phương.
Trong công văn số 291 do Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Lê Tiến Dũng ký gửi tỉnh Quảng Ngãi trình bày, đơn vị đã cùng nhiều liên doanh công ty thực hiện chủ đầu tư 6 dự án tại khu đô thị (KĐT), khu du lịch sinh thái tại KKT Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Khu vực bãi biển ở xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn nơi Tập đoàn FLC rầm rộ tổ chức lễ khởi công các dự án vào năm 2019. |
Các dự án này được tỉnh Quảng Ngãi giao đất với tổng diện tích hơn 137ha. Cụ thể: Dự án KĐT Vạn Tường 7 diện tích khoảng 30,49ha; KĐT Vạn Tường 8 diện tích khoảng 44,65ha; Khu du lịch sinh thái (DLST) Vạn Tường 9 diện tích khoảng 12,9ha; Khu DLST Vạn Tường 10 diện tích khoảng 9,04ha; Khu DLST Vạn Tường 11 diện tích khoảng 12,3ha; Khu DLST Vạn Tường 12 diện tích khoảng 28ha.
Chủ đầu tư thực hiện nhiều thủ tục pháp lý như khảo sát địa hình, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500; báo cáo đánh giá tác động môi trường; hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công; cấp giấy chứng nhận PCCC; rà phá bom mìn; các dự án đang trong quá trình chi trả giải phóng mặt bằng… với tổng chi phí hơn 80,5 tỉ đồng.
Tập đoàn FLC cho rằng, theo sự kêu gọi của tỉnh về việc tự nguyện trả các dự án để thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư, các chủ đầu tư 6 dự án đã đồng thuận hưởng ứng và tự nguyện nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động. Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản thống nhất chấm dứt hoạt động các dự án trên theo pháp luật.
“Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 năm kể từ thời điểm tự nguyện trả lại dự án cho tỉnh, Tập đoàn FLC và các chủ đầu tư chưa nhận bất cứ thông tin, phản hồi, hướng dẫn về việc hoàn trả đối với các chi phí chủ đầu tư đã bỏ ra tại các dự án. Trong khi đó, số tiền hơn 80 tỷ đồng là số tiền lớn và cần thiết với Tập đoàn FLC và các công ty trong bối cảnh hiện nay”, văn bản nêu.
Tập đoàn FLC khẳng định, cho đến nay khi chưa có phương án hoàn trả số tiền trên cho chủ đầu tư, Quảng Ngãi chưa thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới để tiếp tục thực hiện dự án liên quan.
Tất cả những dự án của FLC tại Quảng Ngãi chỉ là bãi đất hoang. |
“Với nhiều thay đổi tích cực trong quá trình tái cấu trúc, Tập đoàn FLC tự tin có khả năng triển khai lại các dự án trên. Việc này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho FLC và còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương, tạo công ăn việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như đáp ứng được mong mỏi của người dân…
Bên cạnh đó, FLC mong muốn Quảng Ngãi tiếp tục giới thiệu các dự án tiềm năng khác, đặc biệt lĩnh vực du lịch, bất động sản, hạ tầng, để FLC có thể nghiên cứu đầu tư…”, văn bản nêu.
Sẽ rà soát hồ sơ các dự án
Tại buổi họp báo quý III, ngày 18/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn thông tin đã chỉ đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tiến hành rà soát hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến các dự án mà Tập đoàn FLC đã đầu tư tại tỉnh để làm cơ sở giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư, trong đó có việc yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi hoàn trả hơn 80 tỷ đồng.
“Quảng Ngãi sẽ xem xét, giải quyết, trong đó có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư đã chi trả. Tuy nhiên, việc này phải được rà soát một cách chặt chẽ, đảm bảo các quy định của pháp luật và Tập đoàn FLC phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ thì địa phương mới đủ cơ sở để giải quyết”, ông Tuấn nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn. |
Theo ông Tuấn, về đề nghị “ưu tiên” cho FLC thực hiện lại các dự án, tỉnh Quảng Ngãi khẳng định không có cơ chế. “Nếu nhà đầu tư muốn tiếp tục triển khai dự án thì phải theo Luật Đầu tư công, tức phải qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Tuấn cho hay.
Liên quan đến việc này, ông Lương Trọng Nguyên - Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vào tháng 3 năm nay, Tập đoàn FLC đã có văn bản đề nghị tỉnh hoàn trả kinh phí. Sau đó, Ban Quản lý có công văn phản hồi, yêu cầu nhà đầu tư phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ về số tiền đã chi trả trong quá trình thực hiện đầu tư.
“Tập đoàn FLC “đòi” hơn 80 tỷ nhưng phải kiểm tra lại tất cả, chứng từ phải rõ ràng, minh bạch chứ không thể nói miệng. Hiện Ban Quản lý đang rà soát toàn bộ chứng từ liên quan để báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh”, ông Nguyên nói.
Trước đó, vào năm 2018 - 2019, Ban Quản lý KKT Dung Quất đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án của FLC cùng 6 công ty đối tác (gồm 4 dự án khu đô thị và 5 dự án khu du lịch sinh thái) với tổng vốn đăng ký hơn 18.000 tỉ đồng, trên tổng diện tích hơn 240 ha tại KKT Dung Quất. Trong 4 dự án KĐT có diện tích hơn 165 ha với tổng vốn gần 9.200 tỉ đồng có Vạn Tường 1, Vạn Tường 4, Vạn Tường 7 và Vạn Tường 8.
Hai trong số đó là dự án KĐT Vạn Tường 1 và Vạn Tường 8 do vướng quy hoạch đất quốc phòng nên nhà đầu tư không triển khai các thủ tục liên quan. Hai dự án còn lại đã chi trả hơn 60 tỉ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai xây dựng.
Số còn lại là 5 dự án khu du lịch sinh thái tổng vốn đăng ký hơn 8.900 tỉ đồng với diện tích gần 82ha. Các bên liên quan mới chi trả khoảng 700 triệu đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Riêng dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Quảng Ngãi chưa triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng.