Bí quyết của nam sinh từng sợ văn vẫn giành điểm tuyệt đối

Trần Đình Duy – nam sinh xứ Quảng đạt điểm 10 tuyệt đối môn Văn
Trần Đình Duy – nam sinh xứ Quảng đạt điểm 10 tuyệt đối môn Văn
TPO - Tại kỳ thi THPT quốc gia, Trần Đình Duy (lớp chuyên Anh, trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) đạt điểm tuyệt đối môn Ngữ văn khiến nhiều người trầm trồ, ngưỡng mộ.

Duy có tổng điểm 3 môn khối D 28,6 điểm. Trong đó môn Ngữ văn 10, tiếng Anh 9,6 điểm và Toán 9 điểm. Duy cho biết cân nhắc giữa trường ĐH Ngoại Thương và trường ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn.

Duy chia sẻ, tại kỳ thi THPT quốc gia dù hoàn thành bài thi khá tốt nhưng bản thân vẫn không tránh khỏi những sự lo lắng về điểm số của mình. Việc đạt điểm tuyệt đối môn ngữ văn trong kì thi THPT Quốc gia vừa qua là một điều em chưa từng nghĩ đến.

“Khi biết tin mình may mắn đạt điểm tuyệt đối môn Ngữ Văn, em rất bất ngờ và hạnh phúc. Mọi cảm xúc trong em như vỡ òa, nên chia sẻ niềm vui này với gia đình, thầy cô và bạn bè” – Duy nói.

Chia sẻ về đề thi Ngữ Văn năm nay, Duy cho rằng đề thi khá vừa sức, lượng kiến thức được phân bố hợp lý trong khoảng thời gian 120 phút nhưng cũng có sự phân hóa rõ ràng. Đối với phần đọc hiểu, ngữ liệu đưa ra rất mới mẻ và thú vị.

Phần nghị luận xã hội về ý nghĩa của sự thấu cảm không qua khó, rất phù hợp cho dung lượng của một đoạn văn 200 chữ.

Riêng phần nghị luận văn học bàn về đoạn trích Đất Nước ( Nguyễn Khoa Điềm). Đây là một trong những tác phẩm hay, chiếm được nhiều tình cảm của em và bạn bè trong quá trình học.

Cách đặt vấn đề ở phần này theo em vừa gần gũi vừa có tính phân loại cao với học sinh. Tuy nhiên, với đoạn trích Đất Nước, em đặc biệt yêu thích các khổ thơ đầu và cuối hơn là đoạn thơ được dẫn ở đề.

Với sự giới hạn trong dung lượng của phần nghị luận xã hội (200 chữ), em không viết quá dài mà chủ yếu tập trung vào những vấn đề trọng tâm theo yêu cầu của đề bài. Bên cạnh đó, do đặc điểm của thể loại, em cũng đã vận dụng một chút vốn sống và trải nghiệm của mình để giúp bài làm thêm sinh động và thực tế hơn.

Từng “sợ” môn Văn

Nói về bí quyết trong việc học môn Ngữ Văn, Duy cho hay cả trong học tập cũng như trong cuộc sống luôn cố gắng làm mọi thứ dù nhỏ nhất với một thái độ nghiêm túc và hết mình. Môn Ngữ Văn thường được nhận định là một môn khó học, khó cảm với nhiều người, bản thân cũng rất từng “sợ” môn Ngữ Văn.

Nhưng từ khi thay đổi cách nhìn nhận về bộ môn này, tích cực, chủ động hơn trong việc lĩnh hội các tác phẩm văn học thì em thấy môn Ngữ Văn là một môn rất thú vị và bổ ích trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, Thầy, Cô giáo phụ trách môn Ngữ Văn (Thầy Trương Văn Quang và Cô Nguyễn Thị Trúc Đào) là những người truyền cho em rất nhiều cảm hứng và tri thức để học tốt bộ môn này.

Duy cũng chia sẻ, với môn Văn em không học vào những khung giờ cố định mà thường học vào những khi em cảm thấy hứng thú. Ngoài ra, việc đọc nhiều tài liệu, sách báo, và tìm hiểu các bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh theo em cũng hỗ trợ rất tốt cho việc học Văn. Câu nói mà Duy rất yêu thích : “Where there is a will, there is a way”

Duy chia sẻ, em thực sự ước mơ trở thành một nhà báo chân chính, vừa có “tâm” vừa có “tầm” trong tương lai, hy vọng được đem một phần nhỏ của mình vào việc cống hiến, phục vụ cộng đồng.

Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều làm công việc kinh doanh. “Bố và Mẹ em đều là những người có ảnh hưởng lớn đối với cuộc đời em, đem đến cho em rất nhiều bài học quý giá trong cuộc sống.

Nhưng có lẽ, cách sống ngay thẳng, chân thành cùng việc sống hết mình với đam mê, hoài bão của chính mình đã góp một phần không nhỏ vào việc hình thành tích cách của chính em hôm nay” – Duy chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.